Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2018 trên truyền hình nhà nước hôm Chủ Nhật (1/1), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định chế độ Bắc Kinh sẽ là “người gìn giữ trật tự quốc tế”. Nhưng thực tế những gì Trung Quốc đã, đang làm rất khác với những lời lẽ tốt đẹp của lãnh đạo Đảng Cộng sản.

Embed from Getty Images

Sau Đại hội 19, Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện mục tiêu biến Trung Quốc thành “cường quốc số một” thế giới.

Trong bài phát biểu đầu năm mà truyền thông Trung Quốc tung hô là “đầy động lực” và “truyền cảm hứng”, ông Tập Cận Bình đã hứa sẽ xóa sạch đói nghèo trên lãnh thổ Trung Quốc vào năm 2020 và nhấn mạnh sáng kiến “Vành đại và Con đường” là kế hoạch cơ sở hạ tầng liên lục địa.

Ông Tập đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ là một nhân tố mạnh mẽ trên vũ đài quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định rằng: “Cải cách và mở cửa là con đường chúng ta phải làm để đạt tiến bộ tại Trung Quốc đương đại và thực hiện giấc mơ Trung Hoa. Chỉ còn 3 năm nữa là tới năm 2020. Mỗi người trong chúng ta phải được kêu gọi hành động, làm hết sức mình, có những biện pháp nhắm mục tiêu để đảm bảo thắng lợi thêm một lần nữa”.

Về các vấn đề quốc tế, ông Tập nói rằng Trung Quốc là “cường quốc có trách nhiệm” và sẽ gìn giữ trật tự thế giới.

Trung Quốc sẽ kiên quyết duy trì quyền lực và địa vị của Liên Hiệp Quốc, tích cực thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình, giữ cam kết thực hiện các lời hứa của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chủ động thúc đẩy Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’, và luôn là nhà kiến tạo hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và gìn giữ trật tự quốc tế”, ông Tập nói.

Những khẳng định của ông Tập về việc “Trung Quốc là cường quốc có trách nhiệm” trong thông điệp đầu năm mới 2018 là trùng khớp với những gì Chủ tịch Trung Quốc nói trong bài diễn văn tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 19 hồi tháng 10 vừa qua. Khi đó ông Tập đã tuyên bố rằng mục tiêu của ĐCSTQ trong thấp kỷ tới và xa hơn nữa sẽ là đóng đinh vị thế cường quốc lớn nhất thế giới của mình. Khi đó ông Tập nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta đứng vị trí trung tâm trên vũ đài thế giới và có đóng góp lớn hơn cho nhân loại”.

Tân Hoa Xã cho hay trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2018 của mình, ông Tập đặc biệt nhấn mạnh tới sáng kiến “Vành đai và Con đường” (OBOR). Với OBOR, Trung Quốc muốn xây dựng hai “Con đường tơ lụa” trên đất liền và trên biển. Trên đất liền, tham vọng của chế độ Bắc Kinh là thiết lập vành đai nối từ Trung Quốc tới Tây Âu thông qua Trung Đông và một phần Châu Phi. Trong khi đó, “Con đường tơ lụa” trên biển sẽ bao phủ phần lớn biển Đông. Trung Quốc không giấu giếm tham vọng áp đặt luật pháp Trung Quốc lên các tuyến đường nằm ngoài biên giới của mình.

Trên thực tế, Trung Quốc đang bắt đầu gặp khó trong các tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra Trung Đông thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Cuối tháng 11 vừa qua, liên tiếp cả Nepal và Pakistan đều tuyên bố hủy bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn do Trung Quốc đầu tư.

Nepal hủy bỏ dự án nhà máy thủy điện 2,5 tỷ USD được giao cho một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, dự án cũng là nơi mà “Con đường tơ lụa” mới sẽ đi qua.  Sau đó, Pakistan cũng hủy bỏ một dự án tương tự do Trung Quốc triển khai với trị giá lên tới 14 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã gặp thất bại trong việc đàm phán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Myanmar và Sri Lanka. Chính việc Bắc Kinh muốn áp đặt luật lệ của mình ra nước ngoài khiến các nước khác không thể chấp nhận. Điều này đang dấy lên nghi vấn liệu rằng chiến lược “con đường tơ lụa” mới đầy tham vọng của Trung Quốc có bị đổ vỡ ngay từ giai đoạn đầu?

>>Theo bước Nepal, Pakistan hủy dự án xây đập thủy điện với Trung Quốc

Trong khi đó, vấn đề biển Đông là minh chứng rõ ràng cho những gì Trung Quốc nói về “kiên quyết duy trì quyền lực và địa vị của Liên Hiệp Quốc, tích cực thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình” là hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc làm.

Trung Quốc tuyên bố kiểm soát gần hết biển Đông, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà quốc gia này ký kết tuân thủ. Chế độ Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế vào năm 2016 khẳng định tuyên bố “đường chín đoạn” mà Trung Quốc vẽ bao phủ gần hết biển Đông là bất hợp pháp. Không những không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, năm 2017 Trung Quốc còn công khai tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa quy mô lớn các hòn đảo này.

>>Trung Quốc báo cáo tuyên bố mở rộng đảo tại biển Đông là “hợp lý”

Trong vấn đề Bắc Hàn, một mặt Trung Quốc thể hiện ủng hộ Mỹ thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng, mặt khác Bắc Kinh vẫn ngấm ngầm “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục giao thương với Bắc Hàn.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã tố Trung Quốc vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc khi cho phép tuồn dầu lậu cho chế độ Kim Jong-un. Tổng thống Mỹ nói rằng “sẽ không bao giờ có giải pháp thân thiện cho vấn đề Bắc Hàn nếu điều này còn tiếp diễn”.

Ngoại giới nhận định việc Trung Quốc có những hành động “bất chính” tại biển Đông và vấn đề hạt nhân Bắc Hàn là một trong những nguyên nhân trọng yếu khiến ông Trump gắn nhãn Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới mà Tổng thống Mỹ vừa công bố cuối tháng 12/2017.

Chiến lược An ninh mới của Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc là kẻ cắp tài sản quốc tế quy mô lớn, thực hiện chiến lược “bẫy nợ” với các nước đang phát triển thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”, và phân phối thuốc phiện.

Với truyền thông nhà nước Trung Quốc, bài phát biểu đầu năm của Chủ tịch Tập là một thông điệp “truyền cảm hứng và thiết thực”. Nhưng với phần lớn nhà quan sát quốc tế, họ chỉ coi đó là một kênh thông tin tham khảo để đối chiếu với những gì Trung Quốc đã, đang và sẽ làm, từ đó có những khuyến nghị phù hợp cho các chính phủ liên quan có các đối sách phù hợp với chế độ Bắc Kinh.

Xuân Thành

Xem thêm: