Bắc Triều Tiên dường như đã xây dựng và phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình với sự giúp đỡ từ các công ty nhà nước Trung Quốc.

Thông tin trên được tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng tải trên một bài báo gần đây chỉ ra rằng mặc dù Trung Quốc tuyên bố họ thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) áp đặt lên Bắc Triều Tiên, nhưng một công ty nhà nước của nước này bị phát hiện vẫn duy trì liên doanh trong gần một thập kỷ với công ty của chế độ Kim Jong-un có trong danh sách bị trừng phạt.

Tập đoàn Limac của Trung Quốc và Tổng công ty Ryonbong General của Bắc Triều Tiên đã thành lập liên doanh trong năm 2008 để khai thác các khoáng sản tantali, niobium và zirconium, những chất được cho là có thể sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân và công nghệ tên lửa. Hoa Kỳ đã xếp Ryonbong vào danh sách các công ty bị trừng phạt từ năm 2005 vì doanh nghiệp này tham gia vào việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và LHQ cũng áp đặt chế tài tương tự trong năm 2009.

Đại diện của Tập đoàn Limac nói với WSJ rằng họ đã cố gắng cắt đứt mối quan hệ đối tác với Ryonbong kể từ năm 2009, tuy nhiên, thực tế liên doanh vẫn duy trì văn phòng công ty đã đăng ký ở Trung Quốc cho đến tháng 2/2017. Trên trang web của Limac cho thấy rằng các đại diện của Ryonbong và Limac đã thảo luận về việc tăng cường mối quan hệ trong năm 2011. Vào năm 2014, 14 nhân viên Limac đã được công ty tài trợ chuyến thăm  quan Bắc Triều Tiên. Thông tin này hiện tại đã bị xóa khỏi website của Limac.

Năm 2013, liên doanh nêu trên được cho là đã thành lập một văn phòng tại Dandong, thành phố của Trung Quốc giáp biên giới với Bắc Triều Tiên. Văn phòng này đã bị hủy bỏ đăng ký vào tháng 2/2017 do không nộp báo cáo kiểm tra theo quy định.

Tờ Washington Post trong một bài báo đăng tải vào tháng 4/2017 đã tiết lộ rằng các tên lửa của Bắc Triều Tiên được chế tạo dựa trên các bộ phận được nhập về từ Trung Quốc. Tờ báo này thông qua nguồn tin từ Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (Mỹ) cho hay Công ty Máy Công cụ Thẩm Dương ở đông bắc Trung Quốc đã cung cấp cho chế độ Bình Nhưỡng một số sản phẩm bị cấm. Công ty này được cho là đã duy trì mối quan hệ gần gũi với các đối tác Bắc Hàn cho tới cuối năm 2015.

Các chuyên gia nói với tờ Washington Post rằng chính việc được nhập khẩu nguyên liệu, cùng một số bộ phận, máy móc, công cụ…từ Trung Quốc đã cho phép Bắc Triều Tiên, một quốc gia nghèo khó và bị cô lập vẫn có thể phát triển được các loại vũ khí mà họ không thể tự sản xuất hoàn toàn.

Theo WSJ, có khoảng 600 công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên và phần nhiều trong số này có thể là các giao dịch hợp pháp, một số khác có lẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

Từ những dữ kiện phát hiện được, chưa thể khẳng định chính phủ Trung Quốc có chính thức hậu thuẫn cho các doanh nghiệp của mình giao thương với chế độ Kim Jong-un hay cố tình lờ đi hoặc không nắm được thông tin. Trong một số trường hợp, Bắc Kinh đã có hành động trấn áp các công ty vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế. Chính quyền Bắc Kinh đã bắt giữ 11 quản lý điều hành của Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hongxiang trong tháng 9/2016, trong đó có cả người sáng lập Ma Xiaohong do doanh nghiệp này xuất khẩu sang Bình Nhưỡng các sản phẩm có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí hạt nhân. Trung Quốc đã xử lý mạnh tay hơn khi Hoa Kỳ đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Hongxiang và một số cá nhân người Trung Quốc có liên quan.  Tuy nhiên, những công ty khác như Tập đoàn Limpac dường như vẫn đang lọt lưới.

Hoa Kỳ có quyền xử phạt các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh với các thực thể đang bị trừng phạt tại Bắc Triều Tiên, nhưng hiện tại chính quyền Trump vẫn do dự trong việc xử phạt các công ty Trung Quốc. Tổng thống Trump đang đặt hy vọng vào Bắc Kinh để gây áp lực nhiều hơn cả về kinh tế và chính trị với Bắc Triều Tiên, buộc chế độ này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa nên có thể muốn để Trung Quốc tự xử lý nội bộ trước.

Tổng thống Trump nói rằng ông “tự tin” Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm những gì cần thiết để giải quyết dứt điểm mối đe dọa mang tên Bắc Triều Tiên, nhưng mọi việc vẫn cần phải chờ thời gian trả lời.

 Xuân Thành

Xem thêm: