Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại ở Afghanistan nhưng không nghĩ đến việc gửi đội quân gìn giữ hòa bình tới, các nhà quan sát về chính sách đối ngoại tiên đoán trước chuyến đi ba nước Trung Á của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Embed from Getty Images

Tuần này ông Vương Nghị sẽ thăm ba nước láng giềng Trung Á của Trung Quốc, bao gồm Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan; cũng như sẽ tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một hiệp ước an ninh khu vực Á – Âu, và nhóm liên lạc  SCO – Afghanistan. 

Chuyến đi diễn ra trước khi binh lính NATO rút hoàn toàn khỏi Afghanistan sau 20 năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết 2.500 lính Mỹ còn lại sẽ rút hết trước 11/9 – ngày kỷ niệm vụ tấn công khủng bố năm 2001, chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.

Chuyến đi của ông Vương sẽ nhằm “thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Afghanistan”, người phát ngôn bộ ngoại giao Uông Văn Bân cho biết hôm thứ Sáu.

“Sự leo thang của tình hình tại Afghanistan đang ở tại một thời điểm quan trọng. Là các láng giềng lân cận của Afghanistan, các nước thành viên SCO có thể đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quá trình hoà bình, hoà giải và tái thiết ở Afghanistan,” ông Uông phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.

Du Youkang, nhà cựu ngoại giao và nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, chỉ ra rằng tất cả ba nước ông Vương đi thăm đều có chung biên giới với Afghanistan và có quần thể cư dân nhập cư đáng kể từ đất nước bị xâu xé bởi chiến tranh này. Ông nói thêm rằng việc quân Mỹ rút quân vội vã đã để lại một thách thức mới về an ninh chưa từng có đối với SCO.

Ông Du cho rằng cuộc gặp của ông Vương với SCO và nhóm liên lạc SCO – Afghanistan có thể giúp thành lập một khuôn khổ cho chính phủ Afghanistan và Taliban để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình hoặc sau khi đạt được hoà bình, nhằm đưa ra một kế hoạch hợp tác kinh tế với các nước láng giềng.

“Tất cả các nước trong SCO xung quanh Afghanistan đều là các nước đang phát triển, nhưng Trung Quốc là nước duy nhất có các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ, vì thế rất có khả năng họ sẽ thúc đẩy điều này trong tương lai,” ông nói.

 

SCO, được thành lập tháng 6/2001 do Nga và Trung Quốc lãnh đạo, đã ngày càng trở thành công cụ chủ yếu của Bắc Kinh để xử lý các vấn đề an ninh ở Trung Á. Afghanistan đã trở thành nước quan sát viên của SCO năm 2012.

Tuy nhiên, SCO dường như không có khả năng lấp đầy “khoảng trống an ninh” do Mỹ để lại khi họ không có lực lượng quân sự nào, và gặp khó khăn bởi các cuộc tranh cãi  nội bộ, theo bà Elizabeth Wishnick, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Montclair tại New Jersey.

“SCO thực tế đang ở bên lề cuộc xung đột tại Afghanistan, khi mỗi nước đều đưa ra các sáng kiến của riêng họ để giải quyết tình hình,” bà Wishnick nói.

Một trong những mối quan tâm lớn về an ninh mà Bắc Kinh tuyên bố cảm thấy lo ngại là các chiến binh Hồi giáo huấn luyện ở Afghanistan trước khi vượt qua biên giới để thực hiện những cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương, vùng cực tây của Trung Quốc. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng đây là cách Trung Quốc gọi những công dân Duy Ngô Nhĩ vốn đang bị bức hại nặng nề trong nước.

Để chống lại điều này, năm 2016 Trung Quốc đã thiết lập một cơ chế bốn bên chống khủng bố với chính phủ Kabul cũng như Pakistan và Tajikistan.

Srikanth Kondapalli, giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói rằng Trung Quốc sẽ giành nhiều ưu tiên hơn cho cơ chế bốn bên này thay vì chính SCO, vì họ đang tìm cách nhắm vào “các nhóm khủng bố Duy Ngô Nhĩ”.

Raffaello Pantucci, nhà nghiên cứu cấp cao  tại Trường Quan hệ Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, cũng nói rằng mặc dù Afghanistan luôn là một mục tiêu quan trọng trong chương trình nghị sự của SCO, tổ chức đa phương không có thành tựu rõ ràng nào về cải thiện tình hình an ninh của đất nước này.

Ông cũng cho rằng sẽ không xảy ra việc Trung Quốc gửi lực lượng giữ gìn hòa bình tới Afghanistan.

“Tôi đã nghe quá nhiều chuyên gia, quan chức an ninh và người của Bộ Ngoại giao, người dân ở Trung Quốc gọi Afghanistan là nghĩa địa của các đế quốc… Tôi chỉ không thấy bảo chứng từ Bắc Kinh về điều đó,” ông Pantucci nói.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: