Hôm thứ Ba (27/4), Trung Quốc cho biết họ đã đề nghị giúp đỡ các nước Nam Á trong việc tiếp cận vắc-xin COVID-19. Tuy nhiên, Ấn Độ đã không tham dự hội nghị truyền hình khu vực về vấn đề này, mặc dù đất nước Nam Á hiện đang hứng chịu làn sóng đại dịch tồi tệ nhất thế giới.

Embed from Getty Images

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì hội nghị với sự tham dự của Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh.

Quốc gia láng giềng của Trung Quốc và đối thủ trong khu vực là Ấn Độ cũng được mời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Tuy vậy, Ấn Độ đã không cử người tham dự. Hiện chưa có bình luận từ chính phủ Ấn Độ.

Trong cuộc hội đàm, Vương Nghị nói với những người đồng cấp rằng Bắc Kinh sẵn sàng thiết lập các nguồn dự trữ khẩn cấp với các nước Nam Á trong cuộc chiến chống lại COVID-19, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Trung Quốc và Nam Á sẽ thiết lập một cơ chế để dự trữ nguyên liệu khẩn cấp”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương nói, nhưng không cho biết chi tiết.

Ấn Độ đang chiến đấu với làn sóng thứ hai của dịch bệnh, với 6 ngày liên tiếp đều có trên 300.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Đặc biệt, hôm Chủ nhật, Ấn Độ ghi nhận kỷ lục hơn 350.000 ca nhiễm mới. 

Trung Quốc bày tỏ “sự cảm thông sâu sắc đối với dịch bệnh đang hoành hành ở Ấn Độ và gửi lời chia buồn chân thành tới người dân Ấn Độ”, ông Vương nói, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ bất cứ lúc nào.

Ông Vương cũng cho biết các công ty Trung Quốc đang làm việc để cung cấp nguyên liệu cho Ấn Độ với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi hiện cũng đang nỗ lực phối hợp các doanh nghiệp Trung Quốc để tích cực đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ về máy tạo oxy và các vật tư y tế khác.”

New Delhi đã không đáp lại lời đề nghị của Bắc Kinh, nhưng Hoa Kỳ, Anh và Liên minh châu Âu đã hứa sẽ cung cấp hỗ trợ các vật tư cho Ấn Độ.

Các nhà phân tích cho biết căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới tranh chấp của họ ở phía đông Ladakh là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ “lạnh nhạt” với Trung Quốc. 

Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã sụt giảm vào tháng 6 năm ngoái sau vụ đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan dọc theo biên giới Himalaya. Quân đội của cả hai bên đã rút phần lớn quân, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ trước mắt để giảm căng thẳng, mặc dù đã đàm phán nhiều tháng.

Amit Ranjan, chuyên gia về chính trị Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với tờ SCMP rằng New Delhi có thái độ dè dặt trước những lời đề nghị giúp đỡ của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang diễn ra và nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Ông nói: “Căng thẳng biên giới ở Ladakh vẫn chưa lắng xuống”, đồng thời cho biết thêm rằng cả hai nước đều tham gia vào các hoạt động ngoại giao vắc-xin.

“Khi tình hình ở Ấn Độ không tồi tệ như hiện nay, Ấn Độ đã cung cấp vắc-xin cho các nước khác [ở Nam Á], và trước đó là máy thở và các cơ sở hạ tầng khác.

“Đó là một hình thức ngoại giao vắc-xin … Trung Quốc và Ấn Độ đều đang làm vậy, cả hai đều đang chạy đua để cung cấp ngày càng nhiều vắc-xin và cơ sở hạ tầng.”

Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp khác nhau với các nước Nam Á trong thời kỳ đại dịch, bao gồm một cuộc họp vào tháng 7 với Afghanistan, Pakistan và Nepal; một cuộc họp vào tháng 11 với Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, cũng như một cuộc họp vào tháng 1 với những người tham gia cuộc gọi hôm thứ Ba. Nhưng không có cuộc họp nào có sự tham gia của Ấn Độ.

Hôm Chủ nhật, Washington cho biết Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ cho Ấn Độ, sau cuộc gọi giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval. Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô cho vắc-xin COVID-19.

Xuân Lan

Xem thêm: