Hôm thứ Tư (ngày 14/4), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối đề xuất giải phóng nước thải ô nhiễm từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima của Nhật Bản và gợi ý nước này nên chuyển chất thải phóng xạ tới Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

(Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc/Ảnh: Getty Images)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã đăng những lời châm chọc trên Twitter: “Nhật Bản và Hoa Kỳ tuyên bố rằng nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và thậm chí có thể uống được, vậy tại sao họ không giữ lại cho riêng mình? Hoặc có thể gửi đến Hoa Kỳ?”

Trong một tuyên bố dài vào hôm thứ Ba (ngày 13/4), bà Hoa cho biết kế hoạch xả nước thải Fukushima của Nhật Bản là “vô trách nhiệm” và cần phải có sự giám sát của giới quốc tế:

“Bất chấp những nghi ngờ và phản đối từ trong và ngoài nước, Nhật Bản đã đơn phương quyết định xả nước thải hạt nhân Fukushima ra biển trước khi áp dụng tất cả các phương án xử lý an toàn mà không cần tham vấn một cách toàn diện với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Điều này là hết sức vô trách nhiệm và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như lợi ích trước mắt của người dân các nước láng giềng.

Các vùng biển là tài sản chung của nhân loại. Nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được xử lý như thế nào không chỉ đơn thuần là vấn đề nội bộ của Nhật Bản. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi phía Nhật Bản làm đúng trách nhiệm của mình, tuân thủ [các biện pháp] khoa học, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và đáp ứng một cách thích đáng đáng những mối quan tâm nghiêm túc của cộng đồng quốc tế, các nước láng giềng và người dân của chính họ. Nhật Bản nên nhận định lại vấn đề và hạn chế xả nước thải một cách bừa bãi trước khi đạt được sự đồng thuận từ tất cả các bên liên quan và IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) thông qua các quy trình tham vấn đầy đủ.

Trung Quốc sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao những diễn biến trong vấn đề này và có quyền đưa ra những phản ứng tiếp theo.”

Thứ Ba (ngày 13/4), Nhật Bản thông báo rằng họ có kế hoạch bắt đầu xả hơn một triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi trong vòng 2 năm.

Nhà máy Fukushima đã bị phá hủy bởi một trận động đất và sóng thần vào năm 2011. Nước thải đã tích tụ trong các bể chứa khổng lồ tại khu vực này suốt 1 thập kỷ qua, và các bể chứa dự kiến ​​sẽ đầy vào cuối năm 2022.

Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết: “Trước khi xả, nước trong các bể chứa sẽ được pha loãng sao cho nồng độ tritium sẽ thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia được quy định của Nhật Bản, và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.” Văn phòng Thủ tướng cũng tuyên bố rằng chất tritium trong nước “phát ra bức xạ yếu” và có nguy cơ “rất thấp” đối với sức khỏe.

Các quan chức Nhật Bản khác cho biết tất cả hóa chất được sử dụng trong quá trình xử lý sẽ tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và việc phát thải sẽ được giám sát bởi IAEA. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nhận định rằng những lần phát thải trước đó đều không có tác động xấu đến môi trường.

Bất chấp những cam kết này, kế hoạch phát thải dường như không được ủng hộ ở cả thành phố Fukushima nói riêng và Nhật Bản nói chung. Hàn Quốc, quốc gia có quan hệ ngoại giao căng thẳng với Nhật Bản vào thời điểm hiện tại, cũng đã phản đối việc phát thải. Các quan chức Nhật Bản đã phản pháo lại bằng cách cáo buộc người Hàn Quốc đạo đức giả vì họ thường xuyên xả nước thải đã qua xử lý có hàm lượng tritium cao hơn nhiều từ 4 lò phản ứng hạt nhân nước nặng (nước chứa một tỷ lệ deuterium cao hơn thông thường) của họ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích Nhật Bản vào hôm thứ Ba (ngày 13/4), gọi kế hoạch Fukushima là một “quyết định đáng xấu hổ”, cáo buộc IAEA “không đủ kinh nghiệm” để có thể phê duyệt kế hoạch và chế giễu Hoa Kỳ đã ủng hộ một chính phủ được cho là không đáng tin cậy ở Tokyo .

Ngày 13/4, tờ Hoàn cầu Thời báo do Đảng cộng sản Trung Quốc điều hành cho biết Hoa Kỳ đã “nuông chiều” Nhật Bản trong một “màn trình diễn địa chính trị xấu xa” bởi vì, không giống như các nước láng giềng gần gũi của Nhật Bản, Hoa Kỳ không quan tâm đến thiệt hại môi trường đối với Vành đai Thái Bình Dương.

“Nhưng Mỹ có thể đã tính toán sai. Với các dòng chảy mạnh nhất thế giới dọc theo bờ biển Fukushima, chất liệu phóng xạ có thể lan ra toàn bộ Thái Bình Dương. Hoàn toàn là ảo tưởng và thiển cận khi Mỹ nghĩ rằng họ có thể tách mình ra khỏi cuộc khủng hoảng có khả năng sẽ xảy ra,” tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định.

Một bài xã luận khác của tờ Hoàn cầu Thời báo trích dẫn những lời phản đối từ phía Hàn Quốc và từ một số nhà bình luận Nhật Bản, nhằm khuyến khích các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương “cùng nhau hợp tác, đảm bảo việc phát thải [được tiến hành] dưới sự giám sát quốc tế và bảo lưu quyền kiện Nhật Bản theo luật pháp quốc tế liên quan nếu hành động của Tokyo gây ra thiệt hại và ô nhiễm.”

Tờ báo của Cộng sản Trung Quốc cũng tuyên bố việc Hoa Kỳ ủng hộ Tokyo chứng tỏ khái niệm của Hoa Kỳ về một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thực sự là “một lời nói dối chỉ để phục vụ lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ mà bỏ qua mối quan tâm của các nước khác, ngay cả các đồng minh của Hoa Kỳ như Hàn Quốc”.

Nhật Bản dám thỏa thuận với Mỹ về vấn đề hạt nhân mà sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển được cả thế giới cùng chia sẻ, vì vậy Tokyo không đủ tư cách để yêu cầu cộng đồng quốc tế tin tưởng, và sự “minh bạch” của quốc gia này là không có tính thuyết phục,” tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định một cách gay gắt.

Vy An (Theo Breitbart)

Xem thêm: