Trung Quốc hôm Chủ Nhật (5/9) đã điều động 19 máy bay chiến đấu các loại xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, qua đó tiếp tục động thái hung hăng dọa nạt quốc đảo dân chủ. Đáp trả, Đài Loan đã cho phi cơ cất cách để ngăn chặn và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa để giám sát. Động thái gây hấn của Bắc Kinh nhắm vào Đài Bắc cũng khiến các cựu quan chức và quan chức Mỹ đương nhiệm lập tức bày tỏ thái độ quan ngại.

1603687817 5f965589976c4
Máy bay ném bom H-6K và máy bay chiến đấu Su-30 của PLA (Ảnh: PLA)

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập ADIZ của quốc đảo dân chủ hôm 5/9 gồm 10 phi cơ chiến đấu đa chức năng J-16,  4 chiến đấu cơ Su-30, 4 oanh tạc cơ H-6, và 1 phi cơ chống hạm Y-8. Đáp trả, Đài Loan đã điều chiến đấu cơ cất cánh để bám theo và triển khai các hệ thống tên lửa để giám sát các máy bay quân sự Trung Quốc.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định điều động máy bay quân sự xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Trong hai ngày trước đó, mỗi ngày Bắc Kinh cử 4 máy bay quân sự bay vào AIDZ của quốc đảo dân chủ.

ADIZ là một khu vực được tuyên bố công khai nằm liền sát không phận của một quốc gia. Trong vùng ADIZ các máy bay nước ngoài phải sẵn sàng gửi nhận diện và vị trí cho quốc gia chủ quản. Khu vực này cho phép một quốc gia có thời gian để đánh giá bản chất của chiếc may bay nước ngoài đang xâm nhập và đưa ra các biện pháp phòng thủ nếu cần.

Trong năm qua, chế độ Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ xâm nhập tương tự, động thái nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt nạt chính phủ dân chủ tại Đài Loan và cưỡng ép công chúng Đài Loan phải chấp nhận các luật lệ của ĐCSTQ. Thời điểm Trung Quốc điều động nhiều máy bay nhất xâm nhập ADIZ của Đài Loan là hôm 15/6, khi đó có tới 28 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát không phận của quốc đảo.

Cùng với hành động đe dọa quân sự, Trung Quốc cũng sử dụng truyền thông để hù dọa Đài Loan. Tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan của ĐCSTQ, mới đây đã cho đăng bài xã luận biện minh cho vụ xâm nhập ADIZ của Đài Loan, gọi đó là “cuộc diễn tập thông thường” và cho thấy “ưu thế vượt trội” của quân đội Trung Quốc so với lực lượng vũ trang của Đài Loan.

Bài viết của Hoàn cầu Thời báo cũng tuyên bố rằng “khoảng cách sức mạnh” giữa hai bờ Eo biển sẽ cho phép những người cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh bảo vệ được “toàn vẹn lãnh thổ, ngay cả khi lực lượng nước ngoài can thiệp”.

Chế độ Trung Quốc trước nay luôn tìm cách áp đặt luật lệ lên Đài Loan hoặc là thông qua chiến tranh hoặc qua các biện pháp khác để làm xói mòn nền dân chủ của quốc đảo, bởi vì họ coi quốc đảo chỉ là lãnh thổ ngoài khơi xa trực thuộc ĐCSTQ. Nhưng thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập, có quan hệ ngoại giao chính thức với 15 nước và duy trì các mối quan hệ đối tác không chính thức với nhiều nước khác trong đó có Nhật Bản và Mỹ.

Trước những động thái hung hăng liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, một số chính trị gia Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Phản ứng với vụ xâm nhập mới nhất của Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã viết trên Twitter: “Mỹ phải luôn luôn sát cánh với Đài Loan và ủng hộ tự do”.

Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Đảng Cộng hòa, bang Tennessee), cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản thời Tổng thống Trump, đăng tweet nói rằng Thượng viện Mỹ “phải ép Chính quyền Biden thực thi hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn nước ngoài xâm lược [Đài Loan]”.

Về phía Nhà Trắng, Thư ký Báo chí Jen Psaki trong buổi họp báo thường nhật hôm 17/8 đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Đài Loan. Bà nói: “Chúng tôi tuân thủ những gì được nêu ra trong Thỏa thuận Quan hệ Đài Loan…”.

Trước đó, hôm 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ cho phép nước này tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn, bao gồm việc đối phó với Trung Quốc cộng sản.

Washington đã chấm dứt mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc để quay sang công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 1979. Dù vậy, phía Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với quốc đảo dân chủ dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đạo luật này cho phép Mỹ cung cấp cho Đài Loan trang thiết bị quân sự nhằm mục đích tự vệ.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: