Mới đây Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật trong yêu sách kiểm soát biển Đông. Giới chức Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chủ quyền mới tại vùng biển chiến lược này bằng yêu sách Tứ Sa thay cho tuyên bố đường 9 đoạn.

Hải Quân Trung Quốc ngày càng hiện diện thường xuyên hơn tại biển Đông. 

Thông tin trên do tờ Washington Free Beacon đưa tin hôm thứ Năm (27/9). Tờ báo Hoa Kỳ cho hay yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc cho rằng nước này có quyền chủ quyền và đặc quyền hàng hải của 4 nhóm đảo ở biển Đông: Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Trung Sa (bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý). Trung Quốc gọi chung 4 quần đảo này là Tứ Sa, và đòi chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo.

Quần đảo Đông Sa (Pratas Islands), là đảo san hô ở phía bắc biển Đông, gồm 3 đảo nhỏ cách Hồng Kông khoảng 340km, hiện tại đang do Đài Loan kiểm soát và tuyên bố đây là Công viên Quốc gia của họ.

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) do Trung Quốc kiểm soát và Việt Nam cùng Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Bãi cạn Macclesfield, nằm phía đông Quần đảo Hoàng Sa, phía tây nam quần đảo Đông Sa và phía bắc quần đảo Trường Sa. Khu vực bãi cạn Macclesfield và một phần Bãi đá Scarborough, Trung Quốc gọi là Quần đảo Trung Sa. Phía Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.

Trong khi đó, tranh chấp diễn ra quyết liệt nhất là ở Quần đảo Trường Sa khi cả Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền ở đây.

Theo báo cáo của Washington Free Beacon, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra chiến thuật mới về cái gọi là “Tứ Sa” để khẳng định các yêu sách chủ quyền trên biển Đông của mình trong một cuộc họp kín với các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước.

Trong một bài báo do tờ Lawfare, chuyên trang pháp luật hợp tác với Viện Brookings (Hoa Kỳ) đăng tải, chuyên gia Julian Ku và Christopher Mirasola cho rằng các lãnh đạo Bắc Kinh có thể đã nhận ra rằng đường lưỡi bò đã trở thành một gánh nặng về ngoại giao. Chưa hề có một Nhà nước nào đòi hỏi “quyền lịch sử trên biển”, do vậy đường lưỡi bò đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị quốc tế phê phán.

Ngoài ra, khi sử dụng một thuật ngữ có vẻ giống như trong UNCLOS, Trung Quốc hy vọng có thể tránh né được những chỉ trích.

Tuy nhiên, các chuyên gia luật quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola cho rằng yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc còn không hợp lý bằng yêu sách đường 9 đoạn trước đây.

Vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn và phán quyết rằng Bắc Kinh đã vi phạm cam kết của họ theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Tuyên bố Tứ Sa mà Trung Quốc vừa đưa ra cũng không phải là mới vì Bắc Kinh đã từng đề cập tới điều này trong sách trắng xuất bản năm 2016, tranh luận với tuyên bố của Philippines trong vụ kiện chủ quyền biển tại Tòa Trong tài Quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan).

Sách Trắng do Bắc Kinh công bố năm 2016 khi tranh chấp với Philippines khẳng định chủ quyền trên các “đảo ở Nam Hải” (tức các đảo trên Biển Đông) gồm bốn nhóm đảo trên và “các đảo, rạn san hô, bãi cạn, thực thể có số lượng và kích thước khác nhau”.

Trung Quốc có chủ quyền trên đảo ở Nam Hải, vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, Bắc Kinh cho biết.

Phán quyết của PCA đã chỉ ra rằng không có đảo nào tại Quần đảo Trường Sa đủ lớn để có thể tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo. Các chuyên gia luật pháp quốc tế cho rằng tuyên bố các đường cơ sở của Bắc Kinh quanh quần đảo Hoàng Sa là trái với UNCLOS vì quần đảo này không đạt được tỷ lệ yêu cầu.

Điều 47 của UNCLOS nói rằng các đường cơ sở quanh quần đảo có thể được tạo ra nếu chúng bao quanh một “hòn đảo chính và một khu vực mà trong đó tỷ lệ diện tích vùng nước so với diện tích đất, tính cả rạn san hô, là ở giữa mức 1-1 hoặc 1-9”. Hai chuyên gia Julian Ku và Christopher Mirasola cho rằng Trung Quốc không hội đủ điều kiện này, vì đất liền Trung Quốc lục địa ở xa tít tắp vùng biển mà họ yêu sách.

Hai chuyên gia nhận định chiến lược pháp lý mới của Trung Quốc thậm chí còn yếu hơn so với tuyên bố đường 9 đoạn vì yêu sách Tứ Sa rõ ràng vi phạm UNCLOS.

Hai chuyên gia này cho rằng: “Phần lớn các biện hộ của Trung Quốc về đường 9 đoạn lập luận rằng tuyên bố đó được đưa ra trước khi Trung Quốc tham gia ký kết UNCLOS  và do đó không bị chi phối bởi công ước này”.

Tuy nhiên, chuyên gia Julian Ku và Mirasola cũng nhận định với việc từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn, Trung Quốc có thể vẫn đạt được một số lợi ích về mặt ngoại giao vì trước nay chế độ Bắc Kinh luôn bị quốc tế chỉ trích nặng nề về yêu sách phi lý đường 9 đoạn trên biển Đông.

Ông Julian Ku và Mirasola cho hay: “Bằng việc sử dụng ngôn ngữ [trong yêu sách Tứ Sa] giống với những gì có trong UNCLOS, Trung Quốc có lẽ đặt cược vào việc họ có thể làm giảm những chỉ trích và giành được sự ủng hộ của các đối tác tiềm năng trong khu vực”.

Sự biện hộ pháp lý của Trung Quốc cho yêu sách Tứ Sa là yếu, nếu không muốn nói là yếu hơn so với tuyên bố đường 9 đoạn. Tuy nhiên, việc giải thích tại sao tuyên bố Tứ Sa yếu và không hợp pháp sẽ đòi hỏi phân tích pháp lý phức tạp kết hợp với thông điệp công khai hiệu quả”.

Hai chuyên gia luật quốc tế chỉ ra rằng Tổng thống Rodrigo Duterte, người đang có xu hướng thân Bắc Kinh, có thể sẽ là một trong những nguyên thủ đầu tiên ủng hộ yêu sách mới của Trung Quốc.

Theo Philstar.com

Hùng Cường

Xem thêm: