Hãng tin AP (Mỹ) hôm thứ Tư 26/4 đưa tin, Trung Quốc vừa cho hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này tự đóng hoàn toàn. Theo đó, Trung Quốc muốn cho cộng đồng quốc tế thấy được sự tiến bộ vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng nước này, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ các yêu sách lãnh thổ trên biển và các tuyến đường thương mại biển quan trọng.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, lễ hạ thụy tàu sân bay trọng tải 50.000 tấn mới này diễn ra vào 9 giờ sáng thứ Tư 26/4 (giờ địa phương) tại thành phố cảng Đại Liên và có sự tham dự của tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Trung ương kiêm Ủy viên Trung Ương ĐCS Trung Quốc và tướng Thẩm Kim Long, chỉ huy phó Hải Quân Trung Quốc, nguyên là chỉ huy trưởng hạm đội Nam Hải. Chính tại đây, năm 2012 Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay Liêu Ninh do Liên Xô chế tạo và Trung Quốc tân trang lại.

Giống như chiến hạm Liêu Ninh nặng 60.000 tấn, được mua từ Liên Xô, tàu sân bay mới dựa trên thiết kế lớp Kuznetsov với một sàn trượt để cất cánh và một cụm máy điện tuốc bin hơi chạy bằng nhiên liệu thông thường. Điều đó hạn chế tải trọng, tốc độ và khoảng thời gian hoạt động trên biển nếu so với tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.

Tàu sân bay mới này được đóng từ năm 2013 và hoàn thành phần thân vỏ vào cuối năm 2015, dự kiến sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trước năm 2020 sau khi đã chạy thử nghiệm trên biển và bổ sung đầy đủ các trang thiết bị.

Theo báo chí Trung Quốc, tàu sân bay mới, chưa được đặt tên, sẽ mang theo 24 máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-15 (dựa trên Sukhoi Su-33 của Nga), cùng với 12 trực thăng chống tàu ngầm, thiết bị bay cảnh báo sớm và các thiết bị cứu hộ trên không. Điều đó tương đương với 85-90 máy bay cánh cố định và trực thăng được vận chuyển bởi một tàu sân bay lớp Nimitz của Hoa Kỳ.

Chương trình tàu sân bay là một phần quan trọng trong việc mở rộng hải quân của Trung Quốc vào thời điểm nước này muốn tăng cường ảnh hưởng quân sự trong khu vực để phù hợp với tiềm lực kinh tế. Mặc dù Trung Quốc vẫn nói rằng họ duy trì một chính sách quân sự phòng thủ, nhưng tham vọng của Bắc Kinh đang khiến các nước trong khu vực dè chừng và nhìn nhận đó là hành động đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh mâu thuẫn đang dâng cao tại khu vực Đông Á do vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Ông Michael Chase, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc của cơ quan tư vấn RAND Hoa Kỳ cho biết: Các chiến lược gia hải quân Trung Quốc xem chương trình phát triển hàng không mẫu hạm này không chỉ là phương tiện để bảo vệ lợi ích hàng hải của đất nước mà còn mang lại “sức mạnh hải quân tương xứng với vị thế quốc tế của Trung Quốc, gây ấn tượng với cả quốc tế và người dân trong nước”.

Ông Michael Chase nói thêm rằng tàu sân bay mới “là minh chứng thêm nữa cho thấy tham vọng trở thành quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực của Trung Quốc”. Điều này đặc biệt khiến các nhà phân tích an ninh Ấn Độ thêm lo ngại về những tham vọng của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương.

Ông Ian Easton, chuyên viên nghiên cứu của Viện The Project 2049 tại Arlington, Bang Virginia, Hoa Kỳ cho rằng Ấn Độ, cùng với Nhật Bản và Đài Loan cũng đánh giá các tàu sân bay của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh của họ. Các nước này có thể sẽ phản ứng bằng cách xây dựng các tàu ngầm và tên lửa chống hạm mới.

Ông Easton thêm rằng: “hành vi lấn chiếm Biển Đông  và nỗ lực gây căng thẳng với Đài Loan, Nhật Bản của Trung Quốc làm cho an ninh khu vực bất ổn và ít quốc gia tin tưởng Bắc Kinh có động cơ thiện chí hợp tác”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang, đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng Bắc Kinh duy trì một vị thế quân sự phòng thủ thuần túy và “đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Mục đích phát triển các lực lượng quốc phòng bao gồm cả hải quân là bảo vệ chủ quyền , an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cũng như nền hòa bình thế giới”, ông Geng nói với các phóng viên hôm thứ Tư 26/4 trong một buổi họp báo thường nhật của Bộ Ngoại giao.

Trung Quốc đã không cung cấp nhiều thông tin về vai trò của tàu sân bay mới hạ thủy, mặc dù qua đó đã cho thấy nước này đang có nhiều tiến bộ trong việc triển khai chế tạo hàng không mẫu hạm. Trước đây, chiến hạm Liêu Ninh được giới thiệu chủ yếu cho tạo dựng nền tảng thử nghiệm và đào tạo. Nhưng vào tháng 12/2016, Trung Quốc tuyên bố hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã sẵn sàng chiến đấu và thực tế đã tham gia vào các cuộc tập bắn đạn thật tại Biển Đông, nơi khi đó căng thẳng đã tăng lên do Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo hoàn chỉnh với sân bay và cơ sở hạ tầng quân sự.

Đầu năm nay, chiến hạm Liêu Ninh cũng đã đi qua eo biển Đài Loan. Đây được xem là một thông điệp gửi tới Đài Loan rằng chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố sẽ được kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.

Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích Hải Quân có trụ sở tại Washington, với tốc độ mở rộng hải quân của Trung Quốc như hiện nay, dự kiến đến năm 2020 nước này sẽ có tổng cộng 265 – 273 tàu chiến, tàu ngầm và tàu hậu cần. Con số này là tương đương với 275 tàu phục vụ chiến đấu các loại trong hải quân Hoa Kỳ hiện nay.

Tân Bình

Xem thêm: