Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra với Trung Quốc khiến cho nền kinh tế nước này chao đảo. Hơn thế, Trung Quốc đang không biết phải làm gì để đối phó với ông ta. Để giữ mục tiêu kinh tế, Đảng Cộng Sản Trung Quốc phản ứng bằng cách duy nhất mà họ biết: tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế.

trump xi 2
Donald Trump và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 9/11/2017 (Ảnh: Thomas Peter/Getty)

Mớ bòng bong chính sách

Trước cuộc chiến thương mại, Trung Quốc tiến hành những đợt kiểm soát tài chính mạnh mẽ để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ xấu và hoạt động của ngành ngân hàng ngầm – hậu quả của giai đoạn “tháo vòi tài chính” nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu trong bối cảnh toàn cầu suy thoái.

Nhưng áp lực từ cuộc chiến thương mại khiến Bắc Kinh phải cắt giảm mức dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng. Trong tuần qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) lại bơm tiếp 74 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để kích thích cho vay ở phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng vừa loan báo gói kích thích 200 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời phá giá đồng NDT để giảm bớt ảnh hưởng của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Đây là “bổn cũ soạn lại”, nhưng nỗ lực kiềm chế rủi ro tài chính trước đó của họ có nguy cơ trở thành vô ích.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh được cho là đã “không thể chấp nhận” khi có các báo cáo dự đoán 20 triệu người lao động nước này có thể mất việc. Vì thế, bất chấp nhiều năm cố gắng thiết lập kỷ luật chặt chẽ cho ngành ngân hàng, họ ngay lập tức mở vòi tín dụng và để cho dòng tiền chảy tự do. Lúc đó, những gói kích cầu này đã được tung hô là “cứu tinh” khiến cho nền kinh tế Trung Quốc không phải trải qua thảm họa như những nền kinh tế Mỹ-Âu khác, tuy nhiên lại để lại hậu quả dài hạn là vòng xoáy vay-nợ tiếp tục chất cao như núi khiến Bắc Kinh càng khó kiểm soát.

Với một số người, sự phát triển tài chính nhanh chóng và các động thái tiền tệ mau lẹ (lợi thế của một quốc gia độc đảng) được coi là một điều tốt: họ chủ động, quyết đoán và có khả năng xoay sở tài chính để ngăn ngừa tình huống xấu nhất. Nhưng trên thực tế, đây là một dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn cùng cực. Cuộc chiến thương mại của ông Trump đã cho thấy rõ điều này.

Vài năm qua, Bắc Kinh hiểu được sự nguy hiểm của nợ xấu, những rủi ro trong hệ thống ngân hàng và ngân hàng ngầm được mở hết cỡ, họ đã bắt đầu thắt chặt để kiểm soát rủi ro. Đã có những thành công, và sự gia tăng của hệ thống ngân hàng ngầm và tín dụng đã được hạn chế ở một mức độ nào đó, tuy nhiên hầu như việc cho vay tiền chỉ được chuyển sang gọi bằng một cái tên khác.

Nhưng nay tình hình lại thay đổi. Năm đầu Trump nhẹ tay với Trung Quốc và thậm chí còn thể hiện mình là bạn tốt nhất của ông Tập. Điều này khiến Trung Quốc lầm tưởng khi đối đầu với ông Trump. Việc ông Trump tập trung hoàn toàn vào Bắc Hàn trong giai đoạn trước đây cũng khiến Bắc Kinh không chuẩn bị cho những gì diễn ra sau đó.

Chính sách của phương Tây trong vòng 3 thập kỷ qua đối với Trung Quốc là tiếp xúc và hy vọng Trung Quốc thay đổi. Nhưng ông Trump từ chối cách tiếp cận này. Với ông ta, bạn có thể là kẻ thù hôm nay, bạn tốt vào ngày mai, chỉ có các thỏa thuận có lợi là vĩnh viễn. Hơn thế, trong rất nhiều năm từ trước khi làm Tổng thống, ông Trump đã nói rất cứng rắn về Trung Quốc và thương mại. Trung Quốc đã quên mất điều này khi ông Trump tung hô giới lãnh đạo nước này bằng những từ ngữ mà bất kỳ nhà buôn nào cũng có thể nói ra trên bàn tiệc. 

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng bị tung hỏa mù trước Trump do chính hệ thống độc đảng chuyên quyền không cho phép “phê bình Đảng”. Theo Nam Hoa Tảo Báo (SCMP), chính việc xa lánh những nhà nghiên cứu, phân tích dám nói ra những sự thật không hài lòng đã khiến Bắc Kinh không xây dựng được một bức tranh đầy đủ về tình huống khi đối đầu với Mỹ. Lãnh đạo Bắc Kinh đã ra lệnh cho giới truyền thông phải đưa tin “kiềm chế” về cuộc chiến thương mại. Việc ông Trump lúc thì gọi Trung Quốc là “kẻ thù về thương mại”, lúc thì gọi Tập Cận Bình là “bạn thân” khiến cho chính giới Bắc Kinh không hiểu ông ta muốn gì, vì vậy cũng không biết phải phản ứng thế nào.

Nhưng cuộc chiến thương mại thực sự đã bắt đầu và có thể leo thang nguy hiểm trong thời gian ngắn tới. Hậu quả của một cuộc chiến thương mại đầy đủ là gì, không ai biết. Chưa có sự kiện nào như thế trong hàng chục năm qua và chắc chắn là chưa có cuộc chiến nào trong kỷ nguyên từ khi mà chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu được thiết lập. Cuộc chiến này Bắc Kinh đã nghĩ không thể nào xảy ra hồi đầu năm nay.

Trung Quốc vẫn đang hành động rất nhanh để giảm thiểu các cú sốc đối với nền kinh tế, tuy nhiên hệ thống ngân hàng chính thức của nó rất kém trong việc đưa dòng tiền tới khối doanh nghiệp nhỏ; nó chỉ thành thạo việc bơm tiền cho chính quyền cấp dưới và các doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là lý do vì sao ngành ngân hàng ngầm với rủi ro cao hoành hành tại quốc gia này. Việc kích thích bằng vung tiền xây cơ sở hạ tầng cũng có rủi ro không kém. Những thành phố “ma”, nơi các tòa cao ốc bị bỏ không rất có khả năng sẽ tái hiện trong tham vọng “con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh, thậm chí sự lãng phí sẽ ở mức độ khổng lồ.

Nếu các chỉ số kinh tế bị thụt lùi, ngân hàng trung ương PBOC lại bơm tiền ra bất chấp hậu quả. Đây không phải là một ngân hàng độc lập, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng, người ra quyết định sẽ là giới lãnh đạo chính trị chứ không phải các chuyên gia kinh tế. Việc kiểm soát tài chính tốt sẽ phải đợi, tiền sẽ được đổ ra để giữ tốc độ tăng trưởng cao, hậu quả sẽ được dọn dẹp sau.

Bắc Kinh có thể bị sốc bởi diễn biến hiện tại, nhưng họ vẫn còn nguyên vẹn quyền lực kiểm soát đối với nền kinh tế, và sẽ dùng nó để giảm thiểu các tác động ngắn hạn lên mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, Bắc Kinh thậm chí chưa dọn dẹp xong hậu quả của chính sách nới lỏng tín dụng để kích thích kinh tế thời hậu khủng hoảng 2008, nhưng nay đã phải khởi động một loạt kích thích khác, mà lần này triển vọng kinh tế còn phức tạp hơn.

Cuộc bầu cử ở Mỹ tháng 11 này có thể thay đổi cán cân quyền lực tại Quốc hội Mỹ và có thể trao cho ông Trump nhiều quyền lực hơn. Triển vọng ông Trump tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ 2 là hoàn toàn khả thi. Khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục nằm trong tầm ngắm của ông Trump trong dài hạn. Việc bơm tiền vào nền kinh tế có thể có tác dụng trong quá khứ, nhưng lần này, có thể người Trung Quốc sẽ phải chứng kiến hậu quả dồn tích nằm ngoài những gì họ có thể tưởng tượng. 

Trọng Đạt

Xem thêm: