Giới chức Trung Quốc hôm thứ Ba (4/6) đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về hồ sơ nhân quyền Trung Quốc nhân kỷ niệm 30 năm cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn.

Lục Tứ; Thiên An Môn
Sinh viên Bắc Kinh diễu hành hướng về Quảng trường Thiên An Môn. Sinh viên kháng nghị ĐCSTQ đàn áp, muốn chống tham nhũng cần phải có dân chủ, đồng thời phát động tuyệt thực. Các hoạt động của sinh viên đều được sự ủng hộ rộng khắp của người dân. (Ảnh: Jian Liu cung cấp cho Epoch Times)

Trong phát biểu hôm thứ Hai (3/6), ông Pompeo đã chỉ trích hồ sơ nhân quyền Trung Quốc và kêu gọi chế độ Bắc Kinh phải công bố có bao nhiều người đã bị chết trong vụ đàn áp Thiên An Môn 1989.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc “lạm dụng nhân quyên bất cứ khi nào nó phục vụ cho lợi ích của chế độ này”. Ông Pompeo dẫn ví dụ về việc Trung Quốc đàn áp cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương.

Ông Pompeo tuyên bố rằng hy vọng của Mỹ về việc Trung Quốc sẽ trở thành “một xã hội cởi mở và khoan dung hơn” thông qua hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn “đã bị đổ vỡ”.

BBC, dẫn lời một phát ngôn viên Đại sứ Quán Trung Quốc tại Washington D.C, nói rằng những bình luận của ông Pompeo đã “xúc phạm nhân dân Trung Quốc.”

Vị phát ngôn viên Trung Quốc nói rằng ông Pompeo đã “sử dụng cái cớ nhân quyền” cho tuyên bố “can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Phát ngôn viên Trung Quốc nói thêm rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ chứa đầy “định kiến và kiêu ngạo” và khẳng định Trung Quốc đang ở vào “thời kỳ tốt đẹp chưa từng có” và bất cứ ai nỗ lực “hạ nhục hay bắt nạt nhân dân Trung Quốc… cuối cùng sẽ chỉ là đống tro tàn của lịch sử”.

Trong ba thập kỷ qua, chế độ Trung Quốc chưa bao giờ tổ chức bất cứ hoạt động chính thức nào để kỷ niệm cuộc biểu tình Quảng trường Thiên An Môn.

Trước thềm sự kiện Lục Tứ năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đã đưa ra phát biểu hiếm thấy đề cập tới sự kiện Thiên An Môn khi ông đăng đàn tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 2/6.

“Sự cố đó là một sự hỗn loạn chính trị và chính quyền trung ương đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự hỗn loạn này, đó là một chính sách đúng đắn,” ông Ngụy nói.

Ông Ngụy nói thêm rằng nhờ vào hành động của chính phủ tại thời điểm đó mà “Trung Quốc đã đang thụ hưởng sự ổn định và phát triển”.

Quảng trường Thiên An Môn tại trung tâm Bắc Kinh đã được giới chức Trung Quốc thắt chặt an ninh vào thứ Ba (4/6). Cảnh sát kiểm tra thẻ căn cước của các hành khách rời ga tàu điện ngầm gần quảng trường.

Theo ghi nhận của BBC, nhiều nhà báo nước ngoài đã không được phép vào quảng trường, trong khi những người được cho vào trong bị cảnh báo không được chụp ảnh.

Bất chấp sự kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền, một số người dân bên trong Trung Quốc vẫn kỷ niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn bằng các cách riêng của họ.

Một nhà hoạt động dân chủ, từng là sinh viên tổ chức biểu tình xưng tên Chen Wei nói với tờ The Guardian rằng anh sẽ tuyệt thực 24 giờ trong ngày thứ Ba (4/6).

Chen Wei nói rằng tuyệt thực là một cách mà giới chức Trung Quốc “không thể nào hạn chế được”.

Bên ngoài Trung Quốc, khắp thế giới có hàng chục cuộc tập trung diễn ra để tưởng nhớ các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn và kêu gọi Trung Quốc thay đổi.

Tại Hồng Kông – hòn đảo bán tự trị thuộc Trung Quốc – dự kiến sẽ tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm vào tối 4/6 với sự tham gia của khoảng 180.000 người.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trung kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn tại thủ đô Washington D.C vào tối 4/6, theo BBC.

Xuân Thành

Xem thêm: