Trung Quốc và Nga hôm thứ Hai (18/9) đã bắt đầu kích hoạt cuộc tập trận hải quân chung gần Bắc Triều Tiên. Thời điểm của cuộc tập trận này rất đáng chú ý khi nó diễn ra chỉ ít ngày trước khi phiên họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khai mạc trong tuần này và trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đang dâng cao khi chế độ Kim Jong-un vừa lần thứ hai bắn tên lửa bay qua miền bắc Nhật Bản.

Nga – Trung Quốc tập trận hải quân chung năm 2016

Cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã nói rằng cuộc tập trận chung Nga – Trung diễn ra ở vùng biển giữa Vịnh Peter và Great, bên ngoài thành phố cảng Vladivostok ở vùng viễn đông của Nga, không cách xa biên giới Nga – Bắc Triều Tiên, và nằm về phía nam biển Okhotsh, phía bắc của Nhật Bản.

Hãng thông tấn này cho biết cuộc tập trận là giai đoạn hai của màn diễn tập hải quân Nga – Trung trong năm nay, cuộc tập trận lần một đã diễn ra tại biển Baltic vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, báo cáo của Tân Hoa Xã không liên hệ trực tiếp cuộc tập trận này với những mâu thuẫn hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên vừa phóng thử tên lửa đạn đạo bay qua miền bắc Nhật Bản hôm thứ Sáu (15/9), và cũng vừa thực hiện vụ thử bom hạt nhân lần 6 hôm 3/9, bất chấp những áp lực ngày càng tăng cao từ cộng đồng quốc tế.

Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy (16/9) đã tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của họ là vươn tới “sự cân bằng” lực lượng quân sự với Hoa Kỳ.

Cả Trung Quốc và Nga một mặt kêu gọi Bắc Hàn phải dừng ngay các vụ thử vũ khí khiêu khích, đồng thời cũng nhiều lần lặp lại kêu gọi cần phải sử dụng giải pháp hòa bình và đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trái với quan điểm của Nga – Trung, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được dẫn lời trong một bài xã luận đăng trên tờ New York Times hôm Chủ Nhật (17/9) thể hiện lập trường cứng rắn của Tokyo với Bắc Triều Tiên. Ông Abe nói rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì đoàn kết và thực thi các chế tài chống lại Bắc Hàn sau khi nước này liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo.

Ông Abe cho rằng những vụ thử tên lửa như vậy là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và chỉ ra rằng mục tiêu đe dọa của Bắc Hàn hiện tại hướng tới cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh rằng ngoại giao và đối thoại sẽ không có hiệu quả với Bắc Triều Tiên và áp lực thống nhất chung của toàn thể cộng đồng quốc tế là cần thiết để giải quyết những mối đe doạ từ Bắc Triều Tiên.

Tuần trước, 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã thống nhất thông qua nghị quyết chế tài Bắc Hàn thứ 9 tính từ năm 2006 để ngăn chặn chế độ Bình Nhưỡng thực hiện chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, các biện phạt trừng phạt mới chỉ dừng lại ở việc cấm Bắc Hàn xuất khẩu hàng dệt may và giới hạn sản lượng nhập khẩu dầu mỏ của nước này. Sự xuống thang này của Washington là để chiều lòng Bắc Kinh và Moscow, những đồng minh và đối tác kinh tế chính của Bình Nhưỡng.

Tờ China Daily hôm thứ Hai (18/9) cho rằng các lệnh trừng phạt cần có thời gian để mang tới hiệu quả, nhưng quan trọng hơn các bên cần phải mở cửa cơ hội cho đàm phán.

Bài xã luận của tờ báo của nhà nước Trung Quốc có đoạn viết: “Với việc phóng thử tên lửa hôm thứ Sáu (15/9), Bình Nhưỡng muốn chỉ ra rằng lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng. Một số người đã rơi vào nhận định đó và ngay lập tức phản ánh và chỉ ra sự thất bại của các biện pháp trừng phạt trong quá khứ để đạt được mục đích riêng của họ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt chưa có tác động không đồng nghĩa với việc chúng không có giá trị. Còn quá sớm để tuyên bố thất bại vì các chế tài mới nhất đã bắt đầu có hiệu quả. Để cho các chế tài có thời gian gây ảnh hưởng là cách tốt nhất khiến Bình Nhưỡng phải cân nhắc lại”.

Trong khi đó, đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley đã bày tỏ hết kiên nhẫn với các động thái khiêu khích liên tiếp của Bắc Hàn. Bà Haley hôm Chủ Nhật (17/9) đã nói rằng Hội đồng Bảo an LHQ đã hết các lựa chọn để xử lý chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ có thể phải chuyển vấn đề này sang cho Bộ Quốc phòng giải quyết.

Xuân Thành

Xem thêm: