Trung Quốc đã nhấn mạnh lại về mối quan hệ khăng khít với Nga trong bối cảnh có nhiều áp lực từ các nhà lãnh đạo thế giới muốn Bắc Kinh tách khỏi Moscow.

Embed from Getty Images

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng mối quan hệ của nước này với Nga có thể “chịu được thử thách mới về tình hình quốc tế đang thay đổi”, theo báo cáo từ hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN.

“Hợp tác giữa Trung Quốc và Nga có sức mạnh nội sinh mạnh mẽ và giá trị độc lập. Nó không nhằm vào các bên thứ ba và sẽ không bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài”, ông Uông nói.

Ông nói thêm rằng hai quốc gia có kế hoạch thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương chân chính” và “phản đối chủ nghĩa bá quyền quốc tế.”

Phát biểu của ông được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, kêu gọi Trung Quốc thúc giục Nga chấm dứt chiến tranh.

Sau cuộc họp vào ngày 14/5, các nước G7 – đã khuyến khích Trung Quốc “thúc giục Nga ngừng xâm lược quân sự đối với Ukraine.”

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, không làm suy yếu các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không biện minh cho hành động của Nga ở Ukraine và không can dự vào việc thao túng thông tin, làm sai lệch thông tin và các phương tiện khác để hợp pháp hóa cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine”, G7 viết trong một tuyên bố mà không đi sâu chi tiết về những hậu quả có thể xảy ra khi Trung Quốc giúp đỡ Nga.

Bất chấp những nỗ lực này, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục tìm cách tăng cường mối quan hệ kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hôm thứ Hai cho biết Moscow hiện đang tìm cách phát triển hơn nữa mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Ông Lavrov cho biết: “Giờ đây, khi phương Tây đã trở thành một ‘nhà độc tài’, quan hệ kinh tế của chúng tôi với Trung Quốc sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa”.

Trung Quốc trước đó đã ủng hộ lý do biện minh của Nga cho cuộc xâm lược, cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng “cách tiếp cận đối đầu” và cố gắng “gây mất ổn định châu Á và toàn thế giới” sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ sự thất vọng trước việc Trung Quốc từ chối lên án hành động của Nga.

Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ là “kẻ chủ mưu” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, bao gồm việc mở rộng NATO.

Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho biết, bất chấp sự ủng hộ của mình, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã cung cấp cho Nga vũ khí để trợ giúp trong cuộc xung đột, mặc dù Nga đã yêu cầu viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế.

Tuy vậy, mới đây hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung đầu tiên kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Bộ Tứ gặp mặt tại Tokyo.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói rằng động thái này có khả năng là một hành động khiêu khích nhằm chọc tức Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nhà lãnh đạo mới đắc cử của Australia, Anthony Albanese, khi họ gặp nhau ở Tokyo để thảo luận về cách kiềm chế sự hung hăng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngân Hà