Trung Quốc đang lên kế hoạch để Afghanistan tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), trong bối cảnh lực lượng NATO rút khỏi quốc gia này sẽ dọn đường cho Bắc Kinh trở lại một trong những quốc gia cổ xưa trên Con đường Tơ lụa.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Trung Quốc không có khả năng kháng cự
Sơ đồ Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc. (Nguồn hình: Xinhua Finance Agency, 2015).

Phát biểu tại cuộc họp ba bên vào đầu tuần này giữa Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rõ ràng về kế hoạch kinh tế đặc trưng của Bắc Kinh, ông nói với những người đồng cấp rằng “ba nước nên tăng cường hợp tác sâu hơn nữa trong sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Các quan chức phương Tây coi sáng kiến ​​này là một kế hoạch kinh tế “săn mồi”, nhưng việc quân đội Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan có thể nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này, bất chấp việc bạo lực giữa Taliban với chính phủ Afghanistan (được Mỹ hậu thuẫn), cũng như với các nhóm khủng bố khác, có thể dẫn đến những biến động khác.

“Trung Quốc quan tâm đến việc mở rộng BRI, bởi họ tin rằng có đủ tài nguyên thiên nhiên để khai thác và đưa trở lại Trung Quốc, nhưng hiện tại [nhiều quốc gia] tỏ ra thận trọng do sự bất ổn và không an toàn [của hợp tác này],” một quan chức Ấn Độ – Thái Bình Dương nói với Washington Examiner.

“Hợp tác này có thể phù hợp với cả Pakistan và Trung Quốc, nhưng cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bởi sáng kiến của Trung Quốc đang bị chỉ trích dữ dội trên toàn cầu như một mô hình ngoại giao nợ. Vì vậy, nếu họ tái diễn mở rộng hợp tác tương tự ở Afghanistan, họ sẽ bị chỉ trích nhiều hơn. Và Afghanistan – một quốc gia vốn đã nghèo – sẽ càng lún sâu vào nợ nần,” quan chức này nói thêm.

Afghanistan có vô số tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả một mỏ kim loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất công nghệ cao. Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn ra dấu hiệu về việc muốn ngăn cản Mỹ tiếp cận mỏ kim loại này, trong nỗ lực cản trở Mỹ chế tạo máy bay phản lực chiến đấu F35.

Ông Zack Cooper của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận định về vấn đề này: “Điều đầu tiên tôi nghĩ là ‘chúc may mắn’. Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền vào một số quốc gia có lẽ sẽ [mang lại] lợi tức đầu tư tương đối thấp.”

Pakistan được cho là đã làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đánh bại Taliban và thiết lập một chính phủ ổn định. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ rút đi cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia trong khu vực mất đi sự bảo vệ thông qua các hoạt động chống khủng bố của Mỹ.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu (4/6): “Hiện tại có rất nhiều nỗi sợ hãi bao trùm Pakistan. Kể từ lúc Mỹ công bố thời điểm họ sẽ rời khỏi Afghanistan… Taliban cảm thấy họ đã giành thắng lợi trong cuộc chiến.”

Mỹ dự kiến sẽ rút 2.500 – 3.500 quân còn lại của mình khỏi Afghanistan vào tháng 9 sau hai thập kỷ triển khai. Ngay khi quân đội Hoa Kỳ rút đi, Trung Quốc và Pakistan lên kế hoạch “chào đón Taliban trở lại dòng chủ lưu chính trị”, theo một bản tin do đoàn ngoại giao Trung Quốc công bố. Một thỏa thuận chính trị như vậy có thể cho phép Trung Quốc thiết lập một vị thế về mặt kinh tế ở nước này.

Ông Vương Nghị khẳng định với SCMP: “Chúng tôi có thể mở rộng hợp tác Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) tới Afghanistan và cải thiện mức độ hợp tác thương mại cũng như kết nối giữa Afghanistan với các nước trong khu vực.”

CPEC ra mắt vào năm 2013, bao gồm mạng lưới đường bộ, cảng, đường ống dẫn dầu và khí đốt và cáp quang, là một dự án Vành đai và Con đường nhằm tăng cường liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á và hơn thế nữa. Nó quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc vì nó cung cấp một con đường thay thế cho việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Trung Đông. Dự án đã bị cáo buộc là một cái bẫy nợ cho Pakistan.

Chính quyền Trung Quốc có tham vọng vận hành một tuyến đường sắt từ Trung Quốc đến các cảng của Pakistan trên Biển Ả Rập. Tuyến đường đó sẽ cho phép Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Trung Đông mà không cần phải vận chuyển bằng đường biển đến miền Đông Trung Quốc. Tuyến đường biển đó đi qua eo biển Malacca, một con đường vận chuyển hẹp giữa Indonesia và Singapore mà Trung Quốc lo ngại có thể bị Hoa Kỳ đóng cửa trong một cuộc xung đột.

Giới quan sát nhận định, các quan chức Pakistan lo lắng rằng chính phủ do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Kabul sẽ liên kết chặt chẽ với Ấn Độ – vừa là đối thủ truyền thống của Pakistan vừa là nhân vật then chốt trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và như vậy, việc Trung Quốc hợp tác với Afghanistan có thể góp phần làm sâu sắc thêm nữa sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Minh Ngọc (Theo Washington Examiner)

Xem thêm: