Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Hai (18/3) đã phát hành sách trắng chính sách bảo vệ các biện pháp phi cực đoan hóa người Hồi giáo mà chính quyền thực hiện tại Tân Cương. Trong đó, Bắc Kinh cho biết các nhà chức trách đã bắt giữ gần 13.000 ‘tên khủng bố’ tại Tân Cương từ năm 2014.

Embed from Getty Images

Bức ảnh này chụp ngày 17/2/2018 cho thấy cảnh sát địa phương đang tuần tra một ngôi làng tại quận Hotan, khu tự trị Tân Cương, miền tây Trung Quốc. (Ảnh: BEN DOOLEY/AFP/Getty Images)

Trung Quốc hiện nay đang ngày càng phải đối mặt với chỉ trích gay gắt của quốc tế về việc họ xây dựng các cơ sở mà các chuyên gia Liên Hiệp Quốc mô tả đó là các trại giam chứa hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương.

Tuy nhiên, Bắc Kinh biện minh rằng họ cần thực hiện các biện pháp này để ngăn chặn mối đe dọa của các phiến quân Hồi giáo và gọi các trại giam giữ là các trung tâm đào tạo nghề.

Trong sách trắng mà Trung Quốc vừa công bố cho biết các cơ quan pháp lý Trung Quốc đã thông qua chính sách “để thỏa hiệp thỏa đáng giữa sự khoan hồng và nghiêm minh.”

Tài liệu của chính quyền Trung Quốc cho biết từ năm 2014, giới chức Tân Cương đã “đập tan được 1.588 băng đảng bạo lực và khủng bố, bắt giữ 12.995 tên khủng bố, thu giữ 2.052 thiết bị nổ, trừng phạt 30.645 người tham gia vào 4.858 hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, và tịch thu 345.229 bản sao các tài liệu tôn giáo bất hợp pháp.”

Sách trắng nói rằng chỉ một số ít người ví như các thủ lĩnh của các nhóm khủng bố mới bị trừng phạt nghiêm khắc, trong khi những người bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng cực đoan đã nhận được các chương trình giáo dục, đào tạo để dạy cho họ thấy hành vi sai trái của họ.

Tài liệu của giới chức Trung Quốc cũng cho biết họ đã đập tan 30 vụ tấn công từ năm 1990, với vụ khủng bố gần nhất được ghi nhận là vào tháng 12/2016. Các cuộc tấn công và bạo động khác đã khiến 458 người thiệt mạng và ít nhất 2.540 người bị thương.

Sách trắng nói rằng Tân Cương đã đối mặt với thách thức đặc biệt từ sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Các phần tử cực đoan Đông Turkestan đã tăng cường hoạt động khủng bố và đòi ly khai tại Trung Quốc.

“Chúng hét lên những lời tà ác về ‘lên thiên đường bằng cách tử vì đạo với thánh chiến’, biến một số người thành những kẻ cực đoan và khủng bố – những người này bị kiểm soát tâm trí hoàn toàn và thậm chí bị biến thành những con quỷ giết người,” Sách trắng viết.

Sách trắng khẳng định rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo dưới ngọn cờ Hồi giáo đi ngược lại các giáo lý của đạo Hồi, và không phải là Hồi giáo.

Chế độ Trung Quốc qua sách trắng nhấn mạnh rằng Tân Cương từ lâu đã là một phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi Trung Quốc và nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ hình thành, phát triển từ một quá trình di cư và hội nhập sắc tộc lâu dài. “Họ không phải là hậu duệ của người Thổ Nhĩ Kỳ.”

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất thường xuyên bày tỏ quan ngại về tình hình tại Tân Cương vì những liên hệ văn hóa của người Thổ với người Duy Ngô Nhĩ – những người cũng nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc đã lên án những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình Tân Cương là không chính đáng và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

“Không nghi ngờ gì nữa, cuộc đấu tranh chống khủng bố và phi cực đoan hóa của Trung Quốc tại Tân Cương là một phần quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố của quốc tế và đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc này,” sách trắng của chính quyền Trung Quốc kết luận.

Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới – nhóm người Duy Ngô Nhĩ lưu vong có tiếng nói lớn nhất, đã nhanh chóng lên án sách trắng của chính quyền Trung Quốc.

Trong một tuyên bố qua email, Phát ngôn viên Dilxat Raxit của Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới cho biết: “Trung Quốc đang cố tình xuyên tạc sự thật.”

“Chống khủng bố là cái cớ chính trị để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Mục đích thực sự của cái gọi là phi cực đoan hóa là xóa bỏ đức tin và thực hiện Hán hóa triệt để,” Phát ngôn viên Dilxat Raxit nói.

Xuân Thành

Xem thêm: