Trước những chỉ trích của chính phủ Mỹ về việc Trung Quốc can thiệp làm méo mó thị trường và ngoại thương bất công với nước khác, giới chức của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giải thích rằng họ nên được hưởng quy chế đặc biệt trong WTO vì vẫn là quốc gia “đang phát triển.”

vuong thu van
Thứ Trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn (Ảnh: Screenshot)

Hôm 21/11, Thứ trưởng Trung Quốc Vương Thụ Văn nói rằng Trung Quốc sẽ không phản đối những thay đổi đối với những luật lệ thương mại toàn cầu miễn là những luật lệ đó vẫn đem lại lợi ích cho Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đang phát triển.

“Trung Quốc là nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới.

Chúng tôi sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong WTO theo đúng mức độ phát triển và khả năng của riêng mình, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ thành viên nào khác tước đoạt quyền lợi được đối xử đặc biệt và những ưu đãi mà Trung Quốc nên được hưởng với tư cách là một quốc gia đang phát triển.”

Trước đó hôm 20/11, một cố vấn cấp cao trong chính quyền Mỹ gợi ý rằng WTO nên chăng trục xuất Trung Quốc ra khỏi tổ chức này vì cách hành xử sai trái không theo luật lệ.

Ông Vương phản bác lại rằng nếu WTO cải tổ, thì sự cải tổ cũng phải giải quyết chủ nghĩa bảo hộ, lạm dụng kiểm soát xuất khẩu – một công kích trực tiếp tới chiến lược thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo VOA, hồi tháng 6/2018, Trung Quốc đã đồng ý làm việc với Liên minh châu Âu để đề xuất những thay đổi đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm giải quyết vấn đề như chính sách công nghệ, trợ cấp và doanh nghiệp nhà nước. Đây là các vấn đề mà Trung Quốc đang bị các quốc gia Mỹ-Âu lên án rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Vương vẫn bảo vệ mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc, nói rằng “WTO nên tôn trọng các mô hình phát triển khác biệt của từng quốc gia thành viên.”

Mặc dù không nêu đích danh Mỹ, Thứ trưởng Trung Quốc tố cáo “có những thành viên nhất định” của WTO đã phân biệt đối xử với mô hình kinh tế tồn tại doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và cố tình giới hạn trao đổi công nghệ và phát minh với Trung Quốc nhằm duy trì sự độc quyền của họ trong những ngành này.

“Trung Quốc quyết tâm phản đối” sự phân biệt đối xử này và WTO phải đưa ra cải tổ để chống lại nó, ông Vương nói.

Thái độ khăng khăng của Bắc Kinh rằng họ vẫn là một nước đang phát triển do đó được hưởng những quy chế đặc biệt trong khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và từ lâu đã là công xưởng toàn cầu đã khiến các thành viên khác tức giận.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ nói rằng Trung Quốc “cần phải bắt đầu cư xử giống như những quốc gia phát triển khác.”

Trung Quốc bị chỉ trích gây sức ép bắt các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao bí mật công nghệ cho người Trung Quốc để làm điều kiện được kinh doanh ở nước này.

Nhiều nước trên thế giới tuy không thích chính sách thương mại của ông Trump nhưng cũng hưởng ứng cùng Tổng thống Mỹ lên án rào cản mà Trung Quốc dựng lên đối với thị trường của họ và chính sách công nghệ.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, và tuần qua trong chuyến công du tới Papua New Guinea của mình, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo sẽ “đánh thuế cho đến khi Trung Quốc chịu thay đổi cách hành xử về thương mại.”

pence
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC 2018 (Ảnh: internet)

Mỹ hiện đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD và 25% lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nếu hết năm 2018, Trung Quốc không chấp nhận nhượng bộ yêu cầu của Mỹ về thương mại, Mỹ sẽ nâng tỷ suất thuế lên 25% đối với 200 tỷ hàng nhập khẩu Trung Quốc, đồng thời cũng cảnh báo sẽ “gấp đôi giá trị hàng hóa bị đánh thuế trên”.

Cuối tháng này, ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 Argentina. Cuộc gặp được kỳ vọng xoa dịu căng thẳng giữa 2 cường quốc, tuy nhiên nhiều phân tích chỉ ra ít có khả năng cuộc gặp này sẽ giải quyết được vấn đề thương mại.

Trọng Đức

Xem thêm: