Philippines đã cáo buộc Trung Quốc tiếp tục “quấy rối” ở Biển Đông, ba ngày sau khi Bắc Kinh hứa không can thiệp vào nỗ lực tiếp tế cho một bãi cạn do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với tờ Philippine Daily Inquirer hôm thứ Tư (24/11) rằng một đội nhỏ lính thủy đánh bộ Philippines đã được tiếp tế thành công lương thực và các nguồn cung cấp khác vào ngày 23/11.

Phó đô đốc Ramil Roberto Enriquez, người đứng đầu Bộ chỉ huy phía Tây của Philippines, nói với tờ Inquirer rằng “không có sự cố” khi hai chiếc thuyền vỏ gỗ đến Bãi cạn Second Thomas lúc 11 giờ sáng hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, ông Lorenzana nói với tờ báo rằng một tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã cử ba người trên một chiếc xuồng cao su để chụp ảnh và quay phim trong khi vật tư đang được dỡ xuống tại BRP Sierra Madre — một tàu hải quân thời Thế chiến II nằm cạn trên rạn san hô để phục vụ như một tiền đồn của Philippines vào năm 1999.

“Tôi đã trao đổi với đại sứ Trung Quốc rằng chúng tôi coi những hành động này giống như một hình thức đe dọa và quấy rối”, ong Lorenzana nói.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết đặc phái viên hàng đầu của Trung Quốc, Huang Xilian, đã đảm bảo với ông vào Chủ nhật rằng các tàu Trung Quốc “sẽ không can thiệp.”

Ông lưu ý thêm: “Chúng tôi sẽ xem liệu họ có giữ đúng lời hứa của họ hay không, vì Hải quân của chúng tôi sẽ tiến hành tiếp tế trong tuần này.”

Cam kết không can thiệp được đưa ra trong nhiều ngày liên lạc sau khi sự cố ở khu vực mà Manila gọi là Bãi cạn Ayungin. Vào ngày 16/11, ba tàu tuần duyên của Trung Quốc đã chặn các tàu tiếp tế của Philippines và dùng vòi rồng bắn vào các tàu nhỏ hơn, buộc nhiệm vụ phải hủy bỏ.

Vụ việc khiến Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đệ đơn phản đối ngoại giao gay gắt hai ngày sau đó, đồng thời viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Philippines và Hoa Kỳ, bao gồm các cuộc tấn công vào các tàu Philippines ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ủng hộ Philippines vào thứ Sáu bằng cách tái khẳng định các cam kết hiệp ước của mình.

Bãi cạn Second Thomas, mà Trung Quốc gọi là Ren’ai Jiao, nằm ở Biển Tây Philippines – thuật ngữ của Manila cho phần phía đông của Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Trung Quốc thường tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu như toàn bộ Biển Đông trong cái gọi là “đường chín đoạn” của họ.

Một phán quyết trọng tài năm 2016 ở The Hague tuyên bố các yêu sách trên biển rộng lớn của Trung Quốc là vô hiệu, nhưng Bắc Kinh phớt lờ điều này.

Lê Vy (theo Newsweek)

Xem thêm: