Chính phủ Trung Quốc đã đệ trình công điện phản đối ngoại giao với Nhật Bản sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga đề cập đến Đài Loan là một “quốc gia” hôm thứ Tư (9/6).

Embed from Getty Images

Yoshihide Suga, người lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, đã đưa ra nhận xét trên khi tham dự buổi gặp mặt đầu tiên với các nhà lãnh đạo phe đối lập trong cơ quan lập pháp của Nhật Bản. Ông liệt kê Đài Loan bên cạnh Australia và New Zealand là những “quốc gia” đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống lại sự lây lan của COVID-19.

Các bình luận của Thủ tướng Nhật Bản đã được phát sóng trên truyền hình quốc gia.

Ngay lập tức, phía Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản đưa ra câu trả lời rõ ràng về lựa chọn từ ngữ “không phù hợp” của ông Suga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết ông Suga đã “phá vỡ lời hứa lâu nay của Nhật Bản là không coi Đài Loan là một quốc gia”.

Ông Uông nói: “Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ với những nhận xét sai lầm và yêu cầu Nhật Bản làm rõ ngay lập tức để xóa bỏ tác hại đã gây ra và đảm bảo một vụ việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Người phát ngôn BNG Trung Quốc cho biết rằng chủ đề Đài Loan “liên quan đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản” và kêu gọi Tokyo “nghiêm túc giữ lời hứa, thận trọng với lời nói và hành động của mình, và không làm tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.”

Nhật Bản đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1972, trước Hoa Kỳ 7 năm.

Nhật Bản một mặt tỏ ra “tôn trọng” vị thế của Trung Quốc đối với Đài Loan theo các cam kết ngoại giao, nhưng mặt khác vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan thông qua các kênh không chính thức khác nhau.

Cách hành xử của Nhật Bản gần tương tự như chính sách “một Trung Quốc” mà Hoa Kỳ áp dụng, tức “thừa nhận” nhưng không công nhận hoặc khẳng định vị trí của Trung Quốc, do đó vẫn có thể duy trì các tương tác ở mức độ nhất định với Đài Loan dân chủ.

Theo báo cáo của nhật báo Nhật Bản Sankei Shimbun, các quan chức Tokyo thường dùng từ “khu vực” thay vì “quốc gia” khi nhắc đến Đài Loan.

Tuy nhiên, tại phiên họp hôm thứ Tư, ngoài ông Suga, ​​nhà lãnh đạo đối lập Yukio Edano thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến của Nhật Bản cũng sử dụng từ “quốc gia” khi đề cập đến Đài Loan, tờ báo cho biết.

Vào ngày 3/6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng gọi Đài Loan là một “quốc gia” khi thảo luận về việc Tokyo tặng 1,24 triệu liều vắc-xin AstraZeneca để giúp hòn đảo này kiềm chế sự bùng phát virus Vũ Hán.

Với cách thức thận trọng điển hình mà các quan chức Nhật Bản thường tiến hành ngoại giao, các nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Đài Loan cho biết điều này báo hiệu một sự thay đổi rõ ràng trong cách nhìn nhận mối quan hệ của Tokyo với Trung Quốc.

Lê Vy

Xem thêm: