Bài bình luận của tác giả Peter Dahlin dưới đây được đăng tải trên tờ Epoch Times ngày 30/7/2021. Peter là nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders và đồng sáng lập tổ chức China Action. Ông từng bị bắt, giam giữ bí mật tại Trung Quốc vào năm 2016 và bị trục xuất khỏi đây. Peter đã chỉ ra việc chế độ cộng sản Trung Quốc đang dùng nhiều biện pháp khác nhau để lùng bắt, đe dọa, quấy rối và ép buộc những người bất đồng chính kiến, những người vốn đã trốn thoát khỏi Trung Quốc để xin tị nạn tại các quốc gia phương Tây.

Trung Quốc săn đuổi người bất đồng chính kiến ​​tại các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ
(Ảnh minh họa: HelloRuby/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Tuần qua, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố cáo trạng đối với 9 công dân Trung Quốc vì hoạt động như các mật vụ bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, đi khắp nơi để đe dọa và quấy rối các Hoa kiều sống ở Hoa Kỳ – bao gồm cả những người bất đồng chính kiến ​​- với một mục đích rõ ràng: buộc họ phải trở về Trung Quốc “một cách tự nguyện”. Thậm chí một trong số 9 người này còn là một công tố viên của Trung Quốc.

Trớ trêu thay, tin tức này chẳng có gì là sốc cả. Trên thực tế, vào cuối năm ngoái, 8 công dân Trung Quốc khác đã bị cáo buộc thực hiện “một chiến dịch quấy rối hung hăng nhân danh Trung Quốc để gây áp lực buộc những người bất đồng chính kiến ​​và những người đào tẩu ở Hoa Kỳ phải về nước để bị kết án”, theo tờ New York Times.

Trong những chiến dịch này, các đặc vụ Trung Quốc được cử ra nước ngoài để săn công dân Trung Quốc – thường là những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các chiến dịch đó được thực hiện theo những hình thức khác nhau. Theo số liệu được công bố chính thức nhưng rời rạc và không đầy đủ, ít nhất hàng nghìn người đã bị buộc phải quay trở lại. Một báo cáo sắp tới của tổ chức Safeguard Defenders sẽ đi sâu hơn vào các hình thức thực thi và các con số. Báo cáo sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan đầu tiên về các hoạt động phi pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài.

Trong khi đó, trên khắp châu Âu và các vùng lân cận, chỉ trong tuần trước, tổ chức Safeguard Defenders đã thu thập được thông tin về ​​một số trường hợp kịch tính. Hiện, theo thông báo vào ngày 25/7, một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ ở Maroc, sẽ đối mặt với việc bị trục xuất về Trung Quốc. Đó là anh Yidiresi Aishan, đến Maroc hợp pháp với tư cách thường trú nhân Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bị giam giữ khi đến Sân bay Casablanca, vì Trung Quốc đã phát đi Cảnh báo Đỏ của Interpol mà Yidiresi không hề hay biết.

Một người khác, Xu Zheng, đang trốn tránh cảnh sát Trung Quốc sau khi chỉ trích Quân đội Giải phóng Nhân dân trên Twitter ở Ukraine. Xu nhanh chóng bị xác định danh tính và bị đe dọa dẫn độ nếu không tuân theo lệnh của cảnh sát. Xu đã tìm cách trốn đến Hà Lan vào tuần trước, và vừa xin được tị nạn.

Tình huống của Xu không phải là cá biệt, Wang Jingyu, thiếu niên bất đồng chính kiến, cũng có hoàn cảnh tương tự. Wang, cũng sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị giam giữ khi quá cảnh đến Hoa Kỳ ở Dubai, và chuẩn bị bị trục xuất về Trung Quốc. Các nhà chức trách Dubai, khi bị truyền thông quốc tế thúc ép, đã đưa ra một loạt các lý do bào chữa cho việc giam giữ Wang. Giống như Xu, Wang hiện đang xin tị nạn ở Hà Lan.

Cũng trong tuần qua, một cư dân Hồng Kông và gia đình đã nộp đơn xin tị nạn ở Thụy Điển. Họ là những người Hồng Kông đầu tiên xin tị nạn chính trị ở đó. Đây sẽ là một phép thử đối với cam kết của Thụy Điển trong việc bảo vệ nhân quyền. Nó có thể đặt ra một tiền lệ tích cực hoặc tiêu cực. Chỉ vài tuần đã trôi qua kể từ khi Thụy Điển ngừng trục xuất một người đàn ông Nội Mông về Trung Quốc.

Bản thân tôi mới trở về từ Cộng hòa Síp chỉ vài ngày trước, vì chuẩn bị cho trường hợp đầu tiên đất nước này có thể cho phép Trung Quốc dẫn độ một người tập Pháp Luân Công.

Điểm chung của nhiều trường hợp này là các nạn nhân đã bị ép để trở về “tự nguyện” trước, và khi những nỗ lực đó thất bại, các phương pháp khác sẽ được sử dụng.

Những “phương pháp khác” đó có nhiều thể loại, và các phương pháp mới dường như cũng đang xuất hiện. Như đã lưu ý ở trên, việc sử dụng các đặc vụ đã xảy ra tại Hoa Kỳ; trong khi trên khắp châu Âu và trên toàn thế giới, những người khác bị gây sức ép bằng cách tác động tới gia đình của họ ở Trung Quốc. Từ chối quyền gia hạn hộ chiếu của người dân ở nước ngoài là một thủ đoạn phổ biến khác.

Một thủ đoạn thường làm – khi [chế độ Trung Quốc] hiểu rõ đất nước mà họ làm việc cùng – đó là tìm cách bắt người bằng cách “dẫn độ trá hình”. [Chế độ] Trung Quốc sẽ yêu cầu một quốc gia hợp tác trên cơ sở luật nhập cư của quốc gia đó, mặc dù đúng ra chế độ phải tìm cách dẫn độ và phải theo đúng quy trình thủ tục. Ở Hồng Kông và trong nhiều trường hợp ở Thái Lan, Cục Công an Trung Quốc và Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng thực hiện các hành vi bắt cóc người [để đưa về Trung Quốc].

Trong khi Trung Quốc mở rộng các hoạt động này – điều mà báo cáo sắp tới của Safeguard Defenders sẽ trình bày – thì các quốc gia phương Tây cần cấp thiết đưa ra các phương án nhanh chóng để những người bảo vệ nhân quyền có thể xin tị nạn. Đồng thời các quốc gia này phải đình chỉ và xem xét các thỏa thuận dẫn độ hiện có, đồng thời chú ý hơn đến cách [chế độ] Trung Quốc sử dụng lệnh trục xuất để đưa các nạn nhân trở lại Trung Quốc.

Việc này đã trở nên đặc biệt quan trọng tại châu Âu và Liên minh châu Âu, nơi các đặc vụ của Trung Quốc hoạt động mà không bị cản trở, trong khi châu Âu đang ngày càng trở thành điểm đến cho những người bất đồng chính kiến tìm kiếm một nơi lưu vong an toàn.

Theo “China Chasing Dissidents Among US Allies”
Đăng trên Epoch Times
Tác giả: Peter Dahlin
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: