Một phát ngôn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Hai (3/7) cho hay quân đội nước này sẽ đẩy mạnh tuần tra đường không và đường biển sau sự kiện tàu chiến Mỹ di chuyển tới gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Chính quyền Bắc Kinh gọi động thái của Mỹ hôm Chủ nhật (2/7) là một “sự khiêu khích chính trị và quân sự”.

Động thái này là diễn tiến mới nhất trong chuỗi bất đồng xảy ra liên tiếp trong mối quan hệ Mỹ – Trung chỉ trong vòng 1 tuần qua. Các chuyên gia nhận định rằng Washington dường như đang biểu lộ sự thất vọng ngày càng tăng đối với Bắc Kinh bằng cách đưa ra một loạt các biện pháp như đồng ý thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,42 tỷ USD và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc và một công ty khác cùng các cá nhân đang kinh doanh với Bắc Triều Tiên.

Theo nguồn tin từ một quan chức Quốc phòng Hoa Kỳ, vào Chủ nhật (2/7), Tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường USS Stethem đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý gần đảo Tri Tôn, một hòn đảo tự nhiên nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tuần, hải quân Hoa Kỳ tiến hành tuần tra hàng hải tại biển Đông.

Các quan chức Mỹ đã cố gắng giải thích rằng cuộc tuần tra mới nhất này chỉ là một hoạt động theo kế hoạch thường xuyên của họ, nhưng bất kể ý định của Mỹ là gì, động thái này đã gây ra thêm nhiều căng thẳng Mỹ – Trung. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các lực lượng vũ trang của họ đã phái hai tàu khu trục nhỏ, một chiếc trực thăng và hai máy bay chiến đấu để cảnh báo tàu USS Stethem.

Mối quan hệ Mỹ – Trung đã khá nồng ấm từ sau cuộc gặp Trump – Tập tại Florida, Hoa Kỳ hồi đầu tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, trong một vài tuần gần đây, Nhà Trắng đã bắt đầu cho thấy sự thất vọng với việc Trung Quốc chưa thể gây được ảnh hưởng hiệu quả kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Chế độ Kim Jong-un không giảm mà còn ngày càng gia tăng các hoạt động thử tên lửa và dường như đang xúc tiến mạnh mẽ việc triển khai tên lửa xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Chuyên gia Evan Medeiros, người từng là cố vấn hàng đầu về khu vực Châu Á của Tổng thống Barack Obama, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Không còn nhờ đến tình huynh đệ Trump – Tập nữa. Tuần trăng mật giữa họ đã kết thúc, nhưng giai đoạn tiếp theo chưa có gì rõ ràng”.

Tuần trước, Hoa Kỳ cũng đã làm Trung Quốc phẫn nộ khi liệt chế độ Bắc Kinh là một trong 23 nước có nạn buôn người và cưỡng bức lao động tồi tệ nhất thế giới trong một báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ, một sự hạ cấp so với năm 2016. Đó chính là sự chỉ trích gay gắt nhất của chính quyền mới đối với thực trạng nhân quyền của Trung Quốc.

Evan Medeiros cho biết Washington đã gửi tín hiệu cho thấy chính sách đối với Trung Quốc đang thay đổi, nhưng với mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo hợp tác nhiều hơn từ Bắc Kinh.

Về vấn đề biển Đông cả chính quyền Obama và Trump hiện tại đều xem việc Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo và lãnh hải nơi đây là mối đe dọa tới ổn định ở khu vực giàu tài nguyên này, nơi tàu đánh cá của nhiều nước vẫn thường xuyên khai thác hải sản từ lâu đời.

Trung Quốc vẫn đang quân sự hóa các hòn đảo mà nước này chiếm đóng trên biển Đông
Trung Quốc vẫn đang quân sự hóa các hòn đảo mà nước này chiếm đóng trên biển Đông

Tuy nhiên với chế độ Bắc Kinh, họ vẫn luôn tuyên bố chủ quyền tới 90% biển Đông. Do đó, khi Hoa Kỳ tiến hành tuần tra tuyến hàng hải chiến lược này, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã lớn tiếng cáo buộc Washington đã “làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin chiến lược” giữa hai nước. Trong khi đó Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc Mỹ đưa ra “một sự khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự“.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Khiêm (Wu Qian) nhấn mạnh rằng: “Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực quốc phòng, tăng cường tuần tra trên không và trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia”.

Căng thẳng nêu trên xảy ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập vào đêm Chủ nhật (giờ Washington), tức vào sáng thứ Hai 3/7 (giờ Bắc Kinh).

Nhà Trắng trong tuyên bố của mình cho hay trong suốt cuộc gọi này, ông Trump đã “dấy lên mối đe dọa đang dâng cao từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên”.

Ngược lại, phía truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Chủ tịch Tập cũng sử dụng cuộc điện đàm này để bày tỏ mối quan ngại của ông và yêu cầu Hoa Kỳ “giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hợp lý”. Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh đang bị chia tách của nước này.

Chính quyền Trung Quốc cho hay: “Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ cần kiểm soát định hướng chung của mối quan hệ song phương với sự đồng thuận đã đạt được từ hội nghị thượng đỉnh Mar-a-Lago, Florida”.

Không tuyên bố nào từ cả Hoa Kỳ và Trung Quốc về cuộc điện đàm Trump – Tập đề cập tới các mâu thuẫn giữa hai nước trên biển Đông.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết Trung Quốc dường như rất tự tin rằng đã đạt được một sự hiểu biết với Hoa Kỳ sau cuộc họp tại Mar-a-Lago và đã định hình kế hoạch hành động tối thiểu cần thiết để đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã tính toán sai.

Bà Bonnie nhìn nhận rằng: “Rõ ràng, họ đã không đáp ứng đầy đủ các mối quan ngại của Mỹ về các ngân hàng và các công ty Trung Quốc, do đó họ vẫn để các công ty này giao dịch với Bắc Triều Tiên bất hợp pháp”.

Sự xuống dốc của mối quan hệ Mỹ – Trung bộc lộ khi ông Trump hôm 20/6 đã đăng lên twitter rằng áp lực của Trung Quốc lên Bắc Triều Tiên “đã không thành công”.

Chuyên gia Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của Gavekal Dragonomics, một công ty tư vấn và nghiên cứu, cho biết Trump có thể cũng đã tính toán sai về khả năng kiềm chế Bắc Hàn của Trung Quốc.

Ông Kroeber cho rằng: “Thảo thuận cơ bản mà ông Trump đã đề nghị ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh Mar-a-Lago về việc sẽ dịu nhẹ vấn đề thương mại hai nước để đổi lấy hợp tác nhiều hơn nữa của Bắc Kinh trong vấn đề Bắc Triều Tiên là vô nghĩa và không thực tế, do Trung Quốc không thực sự muốn thay đổi chính sách với Bình Nhưỡng”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai (3/7) rằng cả hai bên đều “quyết tâm thúc đẩy” mối quan hệ của họ mặc dù gặp phải “một số vấn đề”.

Một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc giấu tên cho biết Bắc Kinh hiện tại không muốn suy giảm mối quan hệ với  Washington trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào mùa thu này, thời điểm ông Tập chính thức bước sang nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai.

Vị chuyên gia về chính sách đối ngoại nêu trên nói rằng: “Đối mặt với hành vi gần đây của Hoa Kỳ, chính phủ Trung Quốc đã phải trả lời công khai. Nhưng những lời lẽ mà Chủ tịch Tập nói chuyện với Tổng thống Trump là tương đối hòa dịu”.

Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn có cuộc gặp trực tiếp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Đức vào cuối tuần này.

Xuân Thành

Xem thêm: