Trung Quốc đã thận trọng gửi lời chúc mừng tới ông Fumio Kishida với tư cách là nhà lãnh đạo mới của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Nhật Bản, người sẽ lên nắm quyền Thủ tướng vào tuần tới.

Embed from Getty Images

Ông Kishida, 64 tuổi, đã đánh bại cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Taro Kono trong vòng hai của cuộc bỏ phiếu chọn người kế nhiệm ông Yoshihide Suga, người đã tuyên bố từ chức vào đầu tháng này sau một năm tại vị.

Chiến thắng của ông Kishida diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng xấu đi với tranh chấp kéo dài ở biển Hoa Đông, cùng các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Tư (29/8) rằng Trung Quốc “sẵn sàng làm việc cùng với đội ngũ lãnh đạo mới của Nhật Bản… để làm sâu sắc hơn hợp tác thực tế trong các lĩnh vực khác nhau và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung – Nhật”.

Từ lâu được coi là một con “chim bồ câu” về chính sách đối ngoại, nhưng ông Kishida đã tỏ ra ngày càng trở nên “diều hâu” hơn đối với nước láng giềng Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông cho biết việc chống lại Trung Quốc sẽ là ưu tiên của mình nếu được bầu và Nhật Bản nên hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nền dân chủ “cùng chí hướng” khác để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông cũng gợi ý rằng ông sẽ thiết lập một chức vụ cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng để đối phó với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, đồng thời muốn tăng ngân sách quân sự.

Trong một động thái có thể chọc giận Bắc Kinh, ông còn hoan nghênh việc Đài Loan đăng ký tham gia Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tuần trước, nói rằng Nhật Bản và Đài Loan cùng chia sẻ các giá trị như nhân quyền.

Nhật Bản là quốc gia chủ trì CPTPP trong năm nay.

Tuy vậy, Bắc Kinh đã kêu gọi 11 thành viên CPTPP từ chối đơn xin gia nhập của Đài Loan. 

Đầu năm nay, Trung Quốc cũng cáo buộc ông Biden và ông Suga gây chia rẽ sau khi họ thề sẽ chống lại “sự đe dọa” của Bắc Kinh và lần đầu tiên nhắc đến Đài Loan trong một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản trong 50 năm.

Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản sẽ không có thay đổi lớn dưới thời Thủ tướng mới.

“Năm tới đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao của hai nước và cả hai bên có thể hy vọng nhân cơ hội này để làm điều gì đó có lợi cho sự phát triển ổn định của quan hệ song phương,” ông Chen Youjun, một nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết trên tờ SCMP.

Zhou Yongsheng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết ông Kishida sẽ tiếp bước những người tiền nhiệm của mình bằng cách ưu tiên liên minh với Mỹ.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã leo thang sau đại dịch virus corona và việc Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông. Chuyến thăm cấp nhà nước theo kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Việc Bắc Kinh đưa ra luật tuần duyên vào tháng Giêng cũng làm gia tăng lo ngại ở Nhật Bản về các cuộc tuần tra thường xuyên của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp gần quần đảo Điếu Ngư, hay Senkakus.

Trong khi đó, vai trò của Nhật Bản trong Bộ tứ, một nhóm chiến lược bao gồm Mỹ, Úc và Ấn Độ, đã bị Bắc Kinh chỉ trích, họ cho rằng nó sẽ khuấy động căng thẳng trong khu vực.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: