Theo Bloomberg đưa tin hôm 19/9, ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok đã nộp đơn kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tòa án liên bang Washington vào tối thứ Sáu (18/9) trước lệnh hành pháp cấm TikTok mà Mỹ vừa ban hành.

shutterstock 1767007517 1
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Hôm 18/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm tải (download) hai ứng dụng TikTok và WeChat do Trung Quốc sở hữu trên các kho ứng dụng Mỹ từ ngày 20/9. Những người dùng ở Mỹ đã tải các ứng dụng này có thể tiếp tục sử dụng, nhưng sẽ không thể tải cập nhật ứng dụng. Lệnh cấm hoàn toàn đối với TikTok sẽ có hiệu lực vào ngày 12/11.

TikTok và công ty chủ quản ByteDance đã ngay lập tức nộp đơn kiện lên một thẩm phán liên bang ở Washington vào tối muộn ngày 18/9 nhằm ngăn chặn động thái trên.

Đơn khiếu kiện được Bloomberg trích dẫn viết chính quyền Tổng thống Trump đã vượt quá quyền hạn của mình khi cấm ứng dụng và rằng ông làm vậy vì “lý do chính trị” chứ không phải để ngăn chặn một “mối đe dọa bất thường” đối với Hoa Kỳ. Đơn kiện cáo buộc lệnh cấm vi phạm quyền tự do ngôn luận quy định trong Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ.

TikTok cũng cáo buộc chính phủ Mỹ đã “phớt lờ các bằng chứng” cho thấy cam kết của TikTok với quyền riêng tư và sự an toàn của những người dùng ứng dụng tại Mỹ.

Đây là lần thứ hai TikTok nộp đơn kiện thách thức các động thái của ông Trump lên tòa án. Nhà Trắng chưa lên tiếng về động thái của TikTok.

Trong khi đó, Tencent – chủ sở hữu của WeChat, cho biết họ đang xem xét lại quyết định của Mỹ và sẽ tiếp tục liên lạc với chính phủ Mỹ.

“WeChat được thiết kế để phục vụ người dùng quốc tế bên ngoài Trung Quốc Đại lục và luôn kết hợp các tiêu chuẩn cao nhất về quyền riêng tư của người dùng và bảo mật dữ liệu”, phát ngôn viên của công ty cho biết hôm thứ Sáu.

“Theo lệnh hành pháp ban đầu vào ngày 6/8, chúng tôi đã tham gia vào các cuộc thảo luận với chính phủ Hoa Kỳ và đã đưa ra một đề xuất toàn diện để giải quyết các mối quan tâm của họ. Những hạn chế được công bố ngày hôm nay là không may, nhưng với mong muốn của chúng tôi là cung cấp các dịch vụ liên tục cho người dùng ở Hoa Kỳ – những người coi WeChat là một công cụ giao tiếp quan trọng – chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với chính phủ và các bên liên quan khác về cách giải pháp dài hạn.”

Theo số liệu từ công ty phân tích Sensor Tower, kể từ đầu năm 2014, WeChat đã được tải xuống gần 22 triệu lần bởi người dùng ở Mỹ, trong khi TikTok đã được tải xuống khoảng 64 triệu lần trong năm nay.

Trong một diễn biến khác, Bộ Thương mại Trung Quốc ngay ngày hôm sau (19/9) đã ra thông cáo “kịch liệt phản đối” lệnh cấm của Mỹ đối với TikTok và WeChat; cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa thích đáng.

“Các hành động của Mỹ đã làm xáo trộn nghiêm trọng hoạt động bình thường của các công ty, làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào thị trường Mỹ và phá hoại trật tự thị trường toàn cầu,” Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định.

“Trung Quốc kêu gọi Mỹ từ bỏ hành vi bắt nạt, chấm dứt ngay lập tức các hành động sai trái, duy trì các quy tắc và trật tự quốc tế công bằng và minh bạch,” tuyên bố nói.

“Nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường riêng của mình, phía Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc”.

Trước đó, hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của mình tại Mỹ, trong đó có vụ kiện của ByteDance nhằm vào chính quyền TT Trump.

Lê Vy (t/h)

Xem thêm: