Trong sách trắng công bố hôm 17/9, Trung Quốc tuyên bố rằng chính quyền Tân Cương đã cung cấp hỗ trợ “đào tạo nghề” cho trung bình khoảng 1,3 triệu lao động mỗi năm từ 2014 đến 2019.

Embed from Getty Images

Tuyên bố của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ các nước phương Tây cùng các tổ chức nhân quyền về “chính sách” đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực. Nhiều cáo buộc cho biết ĐCSTQ đã giam giữ ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại lao động cưỡng bức, nhà tù, trung tâm tẩy não.

Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tiếp phủ nhận các cáo buộc và khẳng định đó là những “trung tâm đào tạo nghề”, nơi mọi người học ngôn ngữ và kỹ năng việc làm.

Việc lần đầu tiên sách trắng của Quốc vụ viện Trung Quốc công bố thông tin trên được các nhà quan sát cho là cách “gián tiếp” chính quyền Bắc Kinh xác nhận quy mô của các trại.

Với tiêu đề “Việc làm và Quyền lao động ở Tân Cương”, sách trắng cho biết chính quyền khu vực đã tổ chức “đào tạo định hướng việc làm liên quan đến các kỹ năng nói và viết tiếng Trung chuẩn; kiến ​​thức pháp luật; các kỹ năng cho cuộc sống đô thị và kỹ năng lao động” để cải thiện cấu trúc của lực lượng lao động và chống đói nghèo.

Sách trắng cho biết Trung Quốc đã đào tạo nghề cho trung bình 1,29 triệu lao động thành thị và nông thôn mỗi năm từ năm 2014 đến 2019.

Trong số những công nhân được “đào tạo nghề.” có khoảng 451.400 người đến từ miền nam Tân Cương – khu vực mà chính quyền ĐCSTQ mô tả là “nghèo đói cùng cực, khả năng tiếp cận giáo dục hạn chế và thiếu kỹ năng việc làm vì cư dân bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan.”

Theo các phương tiện truyền thông Đại lục, thời kỳ đó cũng là lúc chính quyền khu vực triển khai chiến dịch “bài trừ cực đoan có hệ thống” để chống lại chủ nghĩa khủng bố và các tư tưởng tôn giáo cực đoan.

>> Chính quyền Trump ra lệnh hạn chế nhập bông, sản phẩm khác từ Tân Cương

Một học giả ở Đại lục nghiên cứu các vấn đề Tân Cương cho biết đây có vẻ là lần đầu tiên Bắc Kinh “gián tiếp thừa nhận” số lượng người thiểu số Hồi giáo bị giam giữ trong các trại.

“1,3 triệu người được đào tạo mỗi năm từ 2014 đến 2019 là rất gần với con số [trong các trại] được các nhà phê bình phương Tây ước tính,” Viện sĩ cho biết, người từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Shih Chien-yu, giảng viên về quan hệ Trung Á tại Đại học Quốc gia Tsing Hua của Đài Loan, cũng cho biết sách trắng lần đầu tiên đưa ra một con số về chương trình cải tạo ở Tân Cương.

Ông nói thêm rằng có khả năng đây là phản ứng của Bắc Kinh đối với Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ đang được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.

Dự luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Đại diện đảng Dân chủ James McGovern đề xuất, kêu gọi cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương trừ khi có thể chứng minh được rằng các sản phẩm này không phải do lao động bị kết án hay cưỡng bức sản xuất.

Trước đó, Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, đồng thời có các biện pháp trừng phạt gần đây đối với các thực thể và quan chức ĐCSTQ bị cáo buộc có liên quan đến đàn áp ở Tân Cương.

“Tôi nghĩ rằng giọng điệu của sách trắng này thực sự rất yếu ớt. Về cơ bản, Trung Quốc đang cố gắng giải thích với Hoa Kỳ rằng “Tôi không làm gì cả, có một số hiểu lầm”, ông Shih nói. “Hơn 1 triệu người đã bị đưa đi cải tạo chính trị không thể giải thích bằng ‘lao động’ và ‘việc làm’.

Sách trắng cũng không đưa ra định nghĩa về “đào tạo nghề” hay cách tính toán các con số, cũng như không phản hồi về những tuyên bố rằng người dân đã bị cưỡng bức lao động, ông Shih cho biết.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: