Trong cuộc điện đàm hôm thứ Bảy (5/3) giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Bắc Kinh đã thúc giục các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, khi cuộc xâm lược của Moscow bước sang ngày thứ mười.

Embed from Getty Images

Cuộc điện đàm này đánh dấu lần đối thoại đầu tiên giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc kể từ khi bắt đầu xảy ra các cuộc bắn phá dữ dội của Nga và sự kháng cự quyết liệt từ các máy bay chiến đấu Ukraine nhằm duy trì quyền kiểm soát thủ đô Kyiv.

Trung Quốc hiện vẫn theo đuổi giải pháp ngoại giao thận trọng trước cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine, thậm chí còn từ chối lên án hành động của Moscow sau khi tuyên bố mối quan hệ hữu nghị “không giới hạn” giữa hai bên hồi đầu tháng 2.

Ngày 5/3, Ông Vương Nghị nhấn mạnh với Ngoại trưởng Blinken: “Chúng tôi khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine,” theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng giao tranh sẽ dừng lại càng sớm càng tốt… và một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn sẽ được ngăn chặn”, ông nói thêm, đồng thời thừa nhận các cuộc đàm phán giữa hai nước sẽ không “thuận buồm xuôi gió”.

Trong khi đó, ông Blinken cho biết thế giới đang “theo dõi xem quốc gia nào đứng lên bảo vệ các nguyên tắc cơ bản về tự do, quyền tự quyết và chủ quyền”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price.

Ông Blinken khẳng định: “Thế giới đang đồng lòng hành động để phản hồi và đáp trả động thái gây hấn của Nga, đảm bảo rằng Moscow sẽ phải trả một cái giá đắt.”

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell nhận định, Trung Quốc nên làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Nga và Ukraine vì các cường quốc phương Tây không thể hoàn thành vai trò của mình.

“Không có sự thay thế nào… Đó phải là Trung Quốc, tôi chắc chắn về điều đó,” ông Borrell lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Tây Ban Nha El Mundo xuất bản vào tối hôm 4/3.

“Ngoại giao không thể chỉ có châu Âu hoặc Mỹ. Ngoại giao Trung Quốc cũng có vai trò ở đây.”

Ông tiếp tục: “Chúng tôi không yêu cầu điều đó và họ (Trung Quốc) cũng vậy, nhưng vì nước này phải là một cường quốc, trong khi cả Mỹ và châu Âu đều không thể làm (trung gian), nên Trung Quốc có thể làm điều đó.”

Ông Borrell cho rằng, “hiển nhiên” là EU và Hoa Kỳ không thể làm trung gian, và cũng loại trừ việc khôi phục cái gọi là định dạng Normandy, một khuôn khổ ngoại giao bốn bên liên quan đến Nga, Ukraine, Pháp và Đức.

Nhưng trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, Trung Quốc vẫn chưa coi cuộc khủng hoảng này là một cuộc chiến tranh.

Trong cuộc điện đàm, ông Vương nhắc lại sự phức tạp của vấn đề, nói rằng nó “liên quan chặt chẽ đến lợi ích an ninh của tất cả các bên”.

Theo ông Vương, Mỹ, NATO, Liên minh châu Âu và Nga nên tiến hành đối thoại và “chú ý đến tác động tiêu cực của việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông đối với môi trường an ninh của Nga” – một điểm chính mà Nga hết sức quan tâm.

Hiện gần 1,37 triệu người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược  bắt đầu, theo dữ liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc.

Minh Ngọc (Theo AFP)