Trung Quốc bày tỏ thương tiếc sâu sắc đối với sự qua đời của “người bạn thân thiết” Robert Mugabe. Phớt lờ sự kêu gọi của cộng đồng quốc tế về các cuộc đàn áp nhân quyền tồi tệ dưới thời Mugabe, Trung Quốc vẫn duy trì sự ủng hộ nhiệt thành đối với địa vị chính trị của ông này tại Zimbabwe cho tới tận những năm tháng cuối cùng. 

tap can binh mugabe yb
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm tay Robert Mugabe khi tới thăm Zimbabwe tháng 12 năm 2015 (ảnh: Youtube)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi Mugabe là “một chính khách và nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc”. 

Robert Mugabe, người lãnh đạo Zimbabwe trong gần 40 năm, vừa qua đời ở tuổi 95. Ở Mỹ và phương Tây, Mugabe là hình tượng phổ thông của một ‘kẻ độc tài’ tham quyền cố vị, dùng cái vỏ ‘cách mạng’ và học thuyết Mác để đạt đến đỉnh cao quyền lực rồi chễm chệ ngồi trên đầu dân nghèo, thoải mái vơ vét và đàn áp. Không thiếu những lãnh đạo và tờ báo phương Tây lên án cuộc đời xa hoa đến chết của ông này và hiếm có ai dám bày tỏ thương tiếc với một kẻ như thế. Nhưng ở Trung Quốc, ông ta sẽ được an nghỉ bằng những lời điếu văn ấm áp và sự đồng cảm sâu sắc đến từ những người đồng chí, những người một thời chung ý thức hệ và vẫn đang hái quả ngọt bằng cách hút máu nhân dân như ông ta. 

Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người kế nhiệm của Mugabe đã xác nhận ông đã qua đời ở bệnh viện. 

Trong gần nửa thế kỷ qua, Trung Quốc là một trong những người bạn thân thiết nhất của Mugabe, và việc có chỗ dựa vững chắc từ người anh em cộng sản Bắc Kinh góp phần giúp địa vị của ông Mugabe khó có thể lay chuyển. 

Trong những dòng điếu văn gửi tới người bạn quá cố, đã thành công vượt trội trong công cuộc “mị dân” chung, Trung Quốc gọi Mugabe là “một chính khách, nhà lãnh tụ xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc”, người đã bảo vệ vững vàng chủ quyền đất nước. Khi còn sống, Mubage tự gọi mình là “người giải phóng”, và một nhà “liên Châu Phi chủ nghĩa”. Truyền thông tự do gọi ông là “bạo chúa”. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tự thân đọc những lời thương tiếc Mugabe, nói rằng Trung Quốc đã “mất một người bạn cũ và một người bạn tốt”, đồng thời không quên khẳng định Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác với chính phủ mới của Zimbabwe. 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố cái chết của Mugabe được dân chúng Trung Quốc khóc thương sâu sắc, và nhắc lại rằng vị cố lãnh tụ da đen đã tích cực phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ mỗi nước và chủ động thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh. 

“Chúng tôi muốn bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc về sự qua đời của ông Mugabe và sự bày tỏ cảm thông đối với chính phủ, nhân dân Zimbabwe cũng như thành viên trong gia đình của ông”, ông Cảnh nói. 

Lãnh đạo Zimbabwe từ năm 1980 sau cuộc cách mạng nhuốm màu sắc giai cấp và chủng tộc của chủ nghĩa Mác lật đổ chính phủ của thiểu số da trắng, Mubage chỉ bị rớt đài vào năm 2017 ở tuổi 93 bằng một cuộc đảo chính của quân đội. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng, nhiều người cho rằng việc Mugabe “hạ đài yên ổn” đến lúc chết sau khi bị đảo chính là do tình bạn chặt chẽ của ông ta với Bắc Kinh. Bắc Kinh đã chối bỏ mọi cáo buộc này bằng khẳng định rằng họ không bao giờ can thiệp vào nội bộ của nước khác. 

Trong gần bốn chục năm cầm quyền của Mugabe, một quốc gia được cách mạng hứa hẹn tự do và thịnh vượng đã chìm trong súng đạn, căng thẳng về quân sự, nghèo đói về kinh tế và tước đoạt về nhân quyền. Mugabe chính thức lột cái vỏ giải phóng tự do khi ra lệnh cướp ruộng đất nằm trong tay của những địa chủ da trắng và thao túng bầu cử trong gần hết cuộc đời chính trị của mình.

Mặc dù cướp đất và đẩy người da trắng ra lề, chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa của ông ta, giống như mọi nơi nó đã được thử nghiệm trên thế giới, đã thất bại hoàn toàn. Năm 2008, lạm phát ở Zimbabwe ghi nhận ở mức 500 tỷ phần trăm, mức cao thứ 2 trong lịch sử nhân loại chỉ sau Hungary vào năm 1946. 

Để tồn tại trong sự ghẻ lạnh của phương Tây, Mugabe, giống như các lãnh đạo Châu Phi khác, quay sang nhờ cậy Bắc Kinh để thoát khỏi khủng hoảng. 

Trung Quốc phớt lờ kêu gọi từ Phương Tây về việc ngừng hợp tác với chính quyền Mugabe sau các cáo buộc về đàn áp nhân quyền. Thay vào đó, Bắc Kinh ủng hộ nhà độc tài Châu Phi cả về chính trị lẫn kinh tế, dưới hình thức viện trợ và cho vay, cũng như bảo vệ ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc. Không khó hiểu điều này nếu xét về các khoản đầu tư kinh tế mà Trung Quốc đã đặt chân ở đây: Trung Quốc mua gần như toàn bộ ngành khai thác khoáng sản, vàng, bạch kim, kim cương và xóa hàng triệu đô nợ nần khi Zimbabwe không thể trả được. Người Trung Quốc còn nắm đầu hầu hết các ngành kinh tế ở đây như xây dựng, viễn thông, bán lẻ và khách sạn. 

Về phần mình, Mugabe cũng không tiếc lời ca tụng Trung Quốc và lãnh tụ của họ, Tập Cận Bình. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Trung-Phi ở Nam Phi, Mugabe nói về Tập: “Đây là một người đang đại diện cho một quốc gia từng bị coi là nghèo đói; một quốc gia chưa bao giờ thuộc địa hóa chúng ta. Ông ta đang làm cho chúng ta những điều mà chúng ta từng kỳ vọng những kẻ xâm lược sẽ làm trong quá khứ. Nếu họ có tai để nghe, hãy để họ nghe”. 

Eric Olander, chủ bút của tạp chí Dự Án Phi – Trung nhận định rằng quan hệ giữa Mugabe và Bắc Kinh bắt đầu từ những ngày chống chủ nghĩa thực dân và chiến tranh giải phóng thuộc địa. 

“Sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Mugabe chưa bao giờ lung lay bất chấp áp lực to lớn từ quốc tế”, Olander nói. “Cho đến cuối cùng của triều đại Mugabe, rất nhiều người nghĩ rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Zimbabwe sẽ suy giảm sau khi ông ta qua đời, nhưng không. Thay vào đó, Bắc Kinh đã dùng nhiều năm để âm thầm xây dựng quan hệ với các trung tâm quyền lực khác trong đảng cầm quyền Zanu-PF, mà nổi bật nhất là Phó Tổng thống, Tướng Constantino Chiwenga đang già yếu”. 

tap can binh mugabe 3
Ảnh: Youtube

Quả thật Bắc Kinh đã nhìn thấy một người bạn trung thành trong Mugabe từ ngày ông ta vẫn còn dẫn một đám dân quân trong rừng rậm đột kích chính phủ thiểu số của Ian Smith. Trung Quốc đã gửi súng đạn, thiết bị quân sự tới cho binh lính của Mugabe, huấn luyện quân sự và thậm chí đưa một số nhân vật của đội du kích Mugabe về Trung Quốc đào tạo nhằm tăng cường khả năng chiến đấu. Theo báo cáo SAIIA (Viện Nghiên cứu Nam Phi về vấn đề quốc tế) Trung Quốc cũng đã hỗ trợ tiền bạc cho cuộc chiến giải phóng của Mugabe. 

“Tóm lại, trong tất cả những nước mà Zimbabwe thực sự tôn trọng và muốn thiết lập quan hệ trong thời độc lập, không nước nào có thể so được với Trung Quốc”, báo cáo SAIIA  viết. 

Chiến tranh kết thúc, Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới ngành khai mỏ của quốc gia giàu tài nguyên này, bắt đầu bằng sắt, thép, crôm, bạch kim và cuối cùng là kim cương. Các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng thắng thầu các dự án xây dựng ở Zimbabwe, trong khi đó người Trung Quốc nhan nhản khắp mọi nơi ở quốc gia Châu Phi này; họ tới mở quán cafe, cửa hàng tiện ích, tiệm cắt tóc, tiệm chăm sóc sắc đẹp, chuỗi cửa hàng ăn nhanh và các tiệm bán đồ điện tử. 

Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ xóa hết nợ mà Zimbabwe dồn tích trong thời ông Mugabe cầm quyền. Từ năm 2000 đến 2017, Bắc Kinh đã cho Zimbabwe vay 2,2 tỷ USD, theo nghiên cứu của Viện Hopkins. 

Tuy nhiên, người Zimbabwe vẫn chìm trong đống nợ. Nợ nước ngoài của họ dự tính vượt 9 tỷ USD – khoảng 1/2 GDP và nay chính phủ của ông Mnangagwa lại đang tìm vay hơn 15 tỷ USD để phục hồi kinh tế. 

“Nay, khi Zimbabwe đã hoàn toàn thoát khỏi Mugabe, họ lại chìm sâu hơn vào vực thẳm kinh tế. Một câu hỏi quan trọng là liệu Tập Cận Bình có bước ra và giúp Mnangagwa thoát khỏi đống đổ nát này không, hay Bắc Kinh lại âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực khác ở Harare?”, Orlander nói. 

Trọng Đức

Xem thêm: