Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 23/3 đã cùng chia sẻ thông điệp khẳng định quan hệ đồng minh giữa hai bên. 

Embed from Getty Images

Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cho biết hôm thứ Ba rằng ông Kim kêu gọi “đoàn kết và hợp tác” với Trung Quốc chống lại “các thế lực thù địch”, theo hãng tin AP.

Ông Tập sau đó đã đáp lại, gọi Triều Tiên là “tài sản quý giá” và chia sẻ quan điểm của ông Kim về quan hệ đồng minh chống lại phương Tây, theo Tân Hoa Xã.

KCNA cho biết ông Kim đã đề cập đến tình trạng quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời cho biết cần có sự giao tiếp giữa ông và ông Tập khi hai bên đối mặt với “tình hình bên ngoài và thực tế thay đổi”, rõ ràng là ám chỉ chính quyền mới của Mỹ.

Thông điệp của ông Kim “nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự thống nhất và hợp tác giữa hai Đảng và hai nước để đối phó với những thách thức và hành động cản trở của các thế lực thù địch.”

Triều Tiên cho biết mục tiêu của họ trong việc tái khẳng định mối quan hệ với Trung Quốc là nhằm “thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp chủ nghĩa xã hội thông qua tình hữu nghị và đoàn kết.” Thông qua đó, Triều Tiên “bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục tiến triển tốt đẹp, quan hệ hữu nghị giữa hai bên sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với yêu cầu của thời đại và với mong muốn, nguyện vọng và lợi ích cốt lõi của nhân dân hai nước trong năm quan trọng này”, theo Newsweek trích dẫn.

Theo AP, việc bị cô lập ngoại giao và kinh tế khiến Triều Tiên dường như ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

KCNA cho biết ông Tập bày tỏ cam kết “cung cấp cho người dân hai nước cuộc sống tốt đẹp hơn”. Một số nhà phân tích coi đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sớm cung cấp cho Triều Tiên lương thực, phân bón và các viện trợ cần thiết khác đã bị cắt giảm đáng kể trong bối cảnh đại dịch, thiên tai và biên giới đóng cửa.

Triều Tiên cho đến nay vẫn phớt lờ những nỗ lực tiếp cận của chính quyền Biden, nói rằng họ sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ trừ khi Washington từ bỏ những gì Bình Nhưỡng coi là chính sách “thù địch”.

Thông điệp giữa hai nhà lãnh đạo các quốc gia cộng sản diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc hội đàm trực diện giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hồi tuần trước, trong đó các nhà ngoại giao Mỹ đã bị Trung Quốc “sỉ nhục”.

Trước đó, chính quyền Biden cũng đã đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thúc ép Trung Quốc gây áp lực buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc ủng hộ “cách tiếp cận hai chiều” đối với vấn đề này, theo đó Mỹ sẽ đưa ra các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Xuân Lan

Xem thêm: