Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Indonesia đã phải đối mặt với sự leo thang của giá cả do sự mất giá trầm trọng của đồng rupiah, thất nghiệp lan tràn và thiếu thốn lương thực. Tổng thống Suharto, với xuất thân từ quân đội, sử dụng chính sách độc tài toàn trị, lúc đó đã cầm quyền tại đất nước vạn đảo này hơn 31 năm. Kể từ đầu những năm 1990, sự căng thẳng chính trị tại Indonesia tăng cao khi quần chúng nhân dân thể hiện rõ ràng sự bất tín nhiệm và chán ghét với Suharto. Tuy nhiên, các phong trào yêu cầu cải cách của các phe đối lập đều bị đàn áp cứng rắn và tàn nhẫn.

Tháng 5/1998, phong trào sinh viên vốn tự phát từ các ký túc xá đại học đã chuyển biến phức tạp và trở thành một làn sóng tuần hành và bạo động yêu cầu Tổng thống Suharto phải từ chức. Tuy nhiên, trong không khí chính trị ngột ngạt và đời sống sinh hoạt thiếu thốn của người dân, phong trào này đã đi kèm với các vụ việc bạo lực của những người nghèo, vô nghề nghiệp. Nạn nhân chính của các vụ việc bạo lực này là cộng đồng Hoa Kiều thiểu số sống tại Indonesia. Đây là một vết đen lớn trong lịch sử Indonesia về sự vô nhân đạo, tuy nhiên, phản ứng của các nước sau khi làn sóng bạo lực diễn ra cũng thể hiện phần nào khuynh hướng của nước đó về mặt ngoại giao quốc tế.

Bạo lực nhắm vào người Hoa Kiều trong năm 1998

Theo thống kê của tờ New York Times, mặc dù người Hoa Kiều ở Indonesia chỉ chiếm chưa đến 4% trong tổng số 200 triệu dân, nhưng họ lại có thể nắm giữ đến 70% số tài sản tư nhân của đất nước này, vì họ có truyền thống lâu đời trong việc làm thương mại. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người Hoa Kiều sở hữu các tập đoàn lớn, còn lại hầu hết đều là những người dân bình thường, cho dù đời sống có tốt hơn nhiều người Indonesia, nhưng cũng chỉ là các chủ cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ.

Người Hoa Kiều thiểu số ở Indonesia vốn chịu nhiều sự phân biệt đối xử với cường độ thấp trước đây, giờ lại phải đối mặt với thái độ thù hằn mạnh mẽ từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Trong một bài viết vào tháng 2/1998 (trước khi các vụ việc bạo lực tháng 5 diễn ra), New York Times cho rằng nhiều người Indonesia tin rằng nguyên nhân chính của việc giá cả tăng cao là do các chủ tiệm người Hoa tăng giá để làm giàu chứ không phải do khủng hoảng kinh tế. Tờ báo này cũng đưa tin một cửa hàng bách hóa của người gốc Hoa ở miền trung đảo Java bị người dân phóng hỏa khi quyết định tăng giá các mặt hàng.

Các vụ cướp bóc cửa hàng và bạo lực chủ yếu nhắm vào người gốc Hoa diễn ra lớn nhất tại Medan (từ ngày 4 – 8/5), Jakarta (từ ngày 12 – 14/) và Surakarta (từ ngày 14 – 15/5).

Cuoc bao loan chong nguoi Hoa o Indonesia
(Ảnh: Wikipedia)

Ngày 4/5, cuộc biểu dương lực lượng phản đối việc tăng giá xăng thêm 70% và tăng gấp 3 lần giá điện của sinh viên tại thành phố Medan đã bị đàn áp bởi cảnh sát dẫn đến sự tham gia của một lượng rất lớn người dân thường. Những người biểu tình sau khi giành được thắng lợi trước cảnh sát đã nhanh chóng leo thang bạo lực. Các cửa hàng bách hóa bị hàng ngàn người xông vào cướp bóc. Rất nhiều cửa hàng nhỏ và xe cộ bị đốt cháy. Đám đông này chỉ dừng lại 3 ngày sau đó khi cảnh sát và quân đội chống bạo động bắt đầu bắn đạn cao su.

Bạo lực bắt đầu xuất hiện ở thủ đô Jakarta vào ngày 12/5 ngay sau khi cảnh sát đàn áp sinh viên trường Đại học Trisakti dẫn đến 4 sinh viên bị chết. Các cửa hàng bách hóa, vốn là biểu tượng của sự sung túc và dư thừa hàng hóa thì nay bị cướp đến sạch trơn bởi những người biểu tình. Ngày 14/5, khi các vụ bạo lực phần nào đã bị chấm dứt do sự can thiệp từ quân đội, truyền thông phương Tây không ngừng đưa hình ảnh cửa hàng bách hóa Yogya Plaza và Mahatari đang bốc cháy, khói đen cả bầu trời Jakarta. Đài BBC đã có một lời bình rất mỉa mai rằng: ngày 14/5 sẽ đi vào lịch sử khi mà Jakarta bị cướp bóc bởi chính những người dân của nó.

Các cửa hàng nhỏ cũng bị tấn công, cướp bóc và bị đốt trong căng thẳng bạo lực, đặc biệt là tại khu phố người Hoa ở Glodok, phía Tây Bắc Jakarta. Theo ước tính của chính quyền sau đó, các vụ cháy đã làm cho ít nhất 1.000 người thiệt mạng do mắc kẹt trong các tòa nhà bị cháy. Phóng viên của BBC đã ghi lại hình ảnh xác của 6 người trong một gia đình đã cùng nhau chết cháy trong một tòa nhà, “do quá sợ hãi không dám bỏ trốn trước đám đông hung hãn”.

Các vụ việc tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn cũng diễn ra ở trung tâm thành phố Surakarta. Đám đông đã sử dụng xà beng để phá cửa nhiều tòa nhà và ném bom cháy vào bên trong.

Hãm hiếp, một phần kinh hoàng của bạo lực

Không chỉ cướp bóc và đốt phá, các hành động bạo lực nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái của đám đông mới chính là điều làm cả thế giới phải kinh hãi.

Theo nghiên cứu của giáo sư Đại học Monash (Úc), McCormick, có khoảng 85 cho đến 400 trường hợp phụ nữ gốc Hoa bị hãm hiếp hoặc hãm hiếp tập thể ở Jakarta chỉ trong 3 ngày 13 đến 15/5.

Nhiều nhân chứng đã kể lại các vụ việc bi thảm khi mà đám đông hỗn loạn xông vào nhà dân thường người gốc Hoa, hãm hiếp phụ nữ và giết họ bằng gậy sắt hay dao, ngay trước mắt những người đàn ông trong gia đình, thường là chồng hay bố của các nạn nhân.

Theo báo cáo của Ủy ban phát triển Quốc gia vào ngày 10/7, có 468 trường hợp phụ nữ gốc Hoa bị hãm hiếp. Nạn nhân trẻ nhất trong các vụ việc này mới 9 tuổi và nạn nhân cao tuổi nhất 55 tuổi. Có khoảng 20 trường hợp phụ nữ sau khi bị hãm hiếp và đánh đập đã bị ném vào trong đám lửa cháy cho đến chết. Một báo cáo khác của giáo sư Dadan thuộc viện nghiên cứu Trisakti cho biết chỉ riêng ở Jakarta có 168 phụ nữ đã chết do bị hãm hiếp tập thể.

Nhiều phân tích cho rằng người gốc Hoa đã bị cố tính đem ra làm vật tế thần bởi các nhà chính trị (bao gồm cả Suharto và các tướng lĩnh quân đội bí mật chống lại ông này) để làm nguôi cơn giận của đám đông và đạt được mục đích chính trị của mình. Một số nhân chứng cho hay, có người trả tiền thưởng cho những kẻ hãm hiếp phụ nữ gốc Hoa.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 2/1999 cho biết:

“Nhóm điều tra phát hiện thấy có các yếu tố chứng minh rằng lực lượng đặc nhiệm Indonesia (Kopassus) có liên quan đến các vụ bạo loạn, trong đó có cả việc dẫn đầu và gây ra các vụ bạo loạn. […] Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã xác nhận được ít nhất 66 trường hợp nạn nhân đã đứng ra tố cáo, hầu hết họ đều là người Indonesia gốc Hoa”.

Các tổ chức “Trung tâm Bảo trợ Phụ nữ bị tấn công tình dục” và “Trung tâm Liên lạc và Thông tin Phụ nữ” của Indonesia cho biết, dưới áp lực của các băng nhóm tội phạm và sự phức tạp trong việc khởi tố các vụ án tấn công tình dục, các phụ nữ bị hãm hiếp vốn đã bị trầm cảm nặng nề không dám để hé lộ thông tin về sự việc kinh hoàng đó. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế ước lượng rằng có ít nhất hơn 1.000 phụ nữ đã bị hãm hiếp hoặc hãm hiếp tập thể.

Phản ứng của các nước trước bạo lực tháng 5/1998

Ngay sau khi tin tức về bạo lực tại Indonesia được công bố bởi các hãng tin và tổ chức quốc tế, cộng đồng người gốc Hoa ở các nước đã thể hiện thái độ bàng hoàng và giận dữ, yêu cầu chính quyền Indonesia nhanh chóng dập tắt làn sóng bạo lực và tìm cách bảo vệ người dân thường gốc Hoa đang bị nhắm đến.

Chính phủ Mỹ cũng nhanh chóng đưa ra các quy định cho phép một số người gốc Hoa được đệ đơn tỵ nạn và đến Mỹ. Tờ New York Times liên tục đưa 4 bài báo sau các vụ bạo lực, thuật lại hoàn cảnh của những người Indonesia gốc Hoa. Đến ngày 10/6, tờ này cũng đăng một báo cáo dài 10.000 từ để thuật lại số phận của những người gốc Hoa trong làn sóng bạo lực. Các tờ báo khác như Wall Street Journal, Washington Post và Los Angeles Times cùng nhiều đài truyền hình cũng dành nhiều trang báo và thời lượng sóng để tường thuật lại những gì diễn ra vào tháng 5/1998.

Các hãng truyền thông của Anh như BBC và ITN cũng dành nhiều thời lượng phát sóng để đưa tin về những gì diễn ra tại Indonesia, đặc biệt là ở Jakarta. Phóng viên BBC nhiều lần quay được và bình luận về các vụ bạo loạn và bạo lực diễn ra liên tiếp.

Trong khi đó, cộng đồng người gốc Hoa tại nhiều nước bắt đầu tổ chức tuần hành để phản đối bạo lực nhắm vào người gốc Hoa tại Indonesia, yêu cầu chính phủ nước mình lên tiếng rõ ràng hơn bắt buộc chính quyền Indonesia phải có các biện pháp cụ thể.

Chỉ trong ngày 7 và 8/8, có gần 20.000 người gốc Hoa ở Mỹ đã bao vây các lãnh sự quán của Indonesia ở Mỹ. Bốn cộng đồng người gốc Hoa ở London đã xuất bản các báo cáo ở Anh và châu Âu, yêu cầu chính phủ Anh có các hành động để thúc giục Indonesia tăng cường bảo vệ quyền lợi tài sản và tính mạng của người gốc Hoa ở Indonesia.

Ngày 25/7, Phó thủ tướng Malaysia đã có bài phát biểu thể hiện mối quan ngại nghiêm trọng về tình trạng bạo lực ở Indonesia. Rất nhiều tổ chức ở Malaysia cũng đệ các đơn thỉnh nguyện đến Đại sứ quán Indonesia tại Malaysia, yêu cầu bảo vệ những người đang bị nhắm đến trong làn sóng bạo lực.

Các hoạt động ký tên, đưa yêu cầu đến đại sứ quán Indonesia cũng diễn ra ở Thái Lan, Phillipines, Peru và Đài Loan.

Phản ứng của chính quyền Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc lại có thái độ vô cùng khác biệt so với phần còn lại của thế giới khi chứng kiến bạo lực diễn ra ở Indonesia nhắm vào người Hoa Kiều. Trung Quốc đã im lặng hoàn toàn cho đến tận ngày 28/7/1998 khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về những gì đã diễn ra.

Trong khi cộng đồng quốc tế sử dụng các từ ngữ vô cùng nghiêm khắc để chỉ trích làn sóng bạo lực là “tàn bạo”, “phi nhân tính” thì cho đến ngày 3/8, tờ Nhân dân Nhật báo cũng chỉ đưa một tin cho biết đã có “cướp đoạt tài sản và gian dâm phụ nữ”, như thể đang bảo vệ cho những kẻ gây tội ác.

Ngày 10/8, một số sinh viên của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã viết các bài báo kháng nghị các sự kiện bạo lực diễn ra ở Indonesia. Các sinh viên này đã nhanh chóng bị Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ở trường cảnh cáo.

Hãng tin IPS cho biết đến tận ngày 17/8 năm 1998, khoảng 200 sinh viên của các trường đại học ở Bắc Kinh mới được cho phép tiến hành diễu hành đến đại sứ quán Indonesia. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã không cho phép họ được phép giương biểu ngữ hay hô khẩu hiệu. Nhóm sinh viên đã đệ đơn thỉnh nguyện có ký tên của 1.400 người, cũng là IPS đưa tin. Trong ngày hôm đó cũng như suốt những ngày sau đó, không có một hãng truyền thông nào ở Trung Quốc nhắc gì đến cuộc tuần hành này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, quan điểm ngoại giao của Trung Quốc trong vấn đề bạo lực tháng 5 tại Indonesia là thái độ vụ lợi, thiếu nhân văn. E ngại rằng ra mặt phản đối Indonesia sẽ một lần nữa làm nguội lạnh quan hệ ngoại giao của hai nước (trước khi Trung Quốc mở cửa vào cuối những năm 1980, Indonesia gần như không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc). Ngoài ra, khi mà Trung Quốc vẫn có các tranh chấp không dứt với Việt Nam và Phillipines, Trung Quốc hy vọng sẽ thu hút được Indonesia ủng hộ mình trong vấn đề biển Đông. Chính vì vậy, Trung Quốc đã chọn việc im lặng và quan sát thái độ của Suharto cũng như của tân chính quyền Indonesia sau khi Suharto từ chức.

Thái độ ngoại giao của Trung Quốc đối với một sự việc làm kinh hoàng thế giới đã làm cho người ta thấy Trung Quốc đã trở thành một nước “vì lợi quên nghĩa” và không hề đáng tin cậy về mặt đạo đức.

Hoàng Quân

Xem thêm: