Vatican hôm 26/11 đã cáo buộc chính quyền ĐCSTQ vi phạm thỏa thuận song phương về việc bổ nhiệm giám mục, khi giới chức Trung Quốc bổ nhiệm một giám mục tại một giáo khu không được Tòa thánh công nhận, theo Reuters đưa tin.

shutterstock 1406018294
Một nhà thờ ở Vân Nam Trung Quốc. (Nguồn: Marco Ramerini/ Shutterstock)

Tuyên bố cho hay Vatican “ngạc nhiên và lấy làm tiếc” khi được biết giám mục của một địa hạt khác đã được bổ nhiệm chức giám mục phụ tá ở Giang Tây.

Việc làm trái phép này có thể được coi là một trong những vi phạm nghiêm trọng nhất đối với thỏa thuận năm 2018 giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Giang Tây không được Vatican công nhận là một giáo khu, tuyên bố cho hay, và nói rằng việc dựng lập này không “phù hợp với tinh thần cuộc đối thoại” mà hai bên đã đồng ý năm 2018.

Mặc dù không đi vào chi tiết, nhưng tuyên bố đã nói rõ rằng bổ nhiệm giám mục Giovanni Peng Weizhao này là do “áp lực mạnh mẽ từ giới chức địa phương”.

AsiaNews, một hãng thông tấn Công giáo, cho biết ông Peng đã được bí mật tấn phong giám mục với sự chấp thuận của giáo hoàng vào năm 2014, bốn năm trước khi có thỏa thuận 2018, và đã trải qua sáu tháng bị quản thúc vào thời điểm đó.

Tuyên bố cho biết Vatican đang mong đợi một lời giải thích từ giới chức Trung Quốc và hy vọng rằng “những chuyện tương tự sẽ không lặp lại”.

Thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục năm 2018

Một số người Công giáo tố cáo rằng thỏa thuận này là bán đứng cho chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Nhưng thỏa thuận đã được gia hạn thêm 2 năm vào tháng 10 vừa qua. Chi tiết của vụ việc hiện vẫn chưa được công khai.

Thỏa thuận này là một nỗ lực nhằm giảm bớt sự chia rẽ lâu dài khắp nơi ở Trung Quốc Đại Lục, giữa một bên là nhóm hoạt động ngầm và trung thành với giáo hoàng với một bên là hệ thống các nhà thờ do ĐCSTQ đứng đằng sau. Thỏa thuận 2018 là lần đầu tiên, kể từ sau năm 1949 khi ĐCSTQ lên nắm chính quyền, mà cả hai bên đều lên tiếng đồng ý công nhận giáo hoàng là lãnh tụ tối cao của Giáo hội Công giáo Catholics.

Về những người Công giáo chỉ trích thỏa thuận này, có thể kể tới Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 90 tuổi, cựu Tổng giám mục Hồng Kông, người đã lên án rằng thỏa thuận này có quá nhiều nhượng bộ đối với Bắc Kinh.

Tuyên bố của Vatican được đưa ra một ngày sau khi một tòa án Hồng Kông kết luận ông Trần và năm người khác phạm tội không đăng ký một quỹ tài chính ủng hộ cho những người biểu tình hoạt động dân chủ. Sau đó quỹ này đã bị giải tán.

Tính đến nay mới có 6 giám mục mới được bổ nhiệm kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Theo lập luận của những người phản đối thỏa thuận này, thì điều đó minh chứng rằng thỏa thuận không đạt được hiệu quả mong muốn.

Họ cũng đưa ra hàng loạt bằng chứng thực tế cho thấy ĐCSTQ hiện đang thắt chặt các quyền tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc, đối với cả các Kitô hữu nói riêng, và với cả các nhóm tín ngưỡng khác nói chung, như vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công.

Khi thỏa thuận được gia hạn lần cuối vào tháng 10 vừa qua, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và cũng là kiến ​​trúc sư trưởng của thỏa thuận, bình luận rằng mặc dù những thành tựu đạt được kể từ năm 2018 “có vẻ nhỏ bé”, nhưng nếu đặt trong bối cảnh mâu thuẫn tồn tại từ lâu như vậy, thì vẫn là “những bước quan trọng hướng tới việc hàn gắn dần các vết thương” mà Giáo hội Trung Quốc đang phải gánh chịu.

Thiên Đức