Trước việc Washington và nhiều nước tích cực đề xuất đưa Đài Loan tham gia vào Hội đồng Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên, Trung Quốc đã tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ.

Embed from Getty Images

Washington tăng cường thúc đẩy để Đài Loan có đại diện tại Tổ chức Y tế Thế giới trong một động thái được dự kiến sẽ làm tăng hơn nữa sự rạn nứt với Bắc Kinh.

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, Mỹ đã khen ngợi “chuyên môn đáng kinh ngạc” của Đài Loan trong việc chống lại dịch bệnh và đã tập hợp các đồng minh – bao gồm Nhật, Canada, Úc và Liên minh châu Âu – để hỗ trợ Đài Loan tham gia vào cơ quan y tế toàn cầu. Các động thái của Washington đã bị Bắc Kinh phản đối kịch liệt, cảnh báo rằng bất cứ vai trò chính thức nào của Đài Loan tại WHO sẽ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO, sẽ tổ chức một buổi họp hai ngày để bàn về đại dịch bằng hình thức hội nghị qua truyền hình vào cuối tháng này.

Đài Bắc bảy tỏ mong muốn mạnh mẽ được tham gia vào buổi họp này nhưng cho biết họ vẫn chưa nhận được lời mời.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva đầu tuần trước, Steven Solomon, trưởng bộ phận pháp lý của WHO, nói rằng WHO công nhận Bắc Kinh là “đại diện hợp pháp của Trung Quốc”, phù hợp với chính sách của Liên Hợp Quốc kể từ năm 1971.

“Sự tham gia của Đài Loan với vai trò quan sát viên trong hội đồng là một câu hỏi đối với 194 nước tham gia WHO. Đây không phải là việc mà ban thư ký WHO có thẩm quyền quyết định,” ông lưu ý.

Solomon cho biết WHO hiểu rằng một số quốc gia bày tỏ sự quan ngại của họ về vấn đề này, “nhưng vai trò của nhân viên WHO không phải để tham dự vào các vấn đề địa chính trị. Thực tế, các nguyên tắc trung lập và vô tư của chúng tôi tồn tại để giúp chúng tôi tránh các vấn đề đó”.

Ông cho biết thêm năm ngoái đại diện của Đài Loan đã tham gia 8 cuộc họp của WHO dành cho các chuyên gia và 6 sự kiện không chính thức, ngoài ra hai chuyên gia y tế đã tham gia một hội nghị video năm nay để thảo luận về đại dịch.

Lai I-chung, chủ tịch của Prospect Foundation, một tổ chức tư vấn độc lập cho chính phủ tại Đài Bắc cho biết Mỹ đang cố gắng thúc đẩy để Đài Loan tham gia vào cơ quan y tế toàn cầu nhằm phá vỡ “quy tắc bất thành văn” bấy lâu tại WHO là sự tham gia của Đài Loan cần được Trung Quốc chấp thuận.

Ngoài Azar, các quan chức Hoa Kỳ và các thành viên của Quốc hội cũng đã đăng tin rộng rãi trên mạng xã hội để ủng hộ chiến dịch này, bao gồm người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ John Barsa, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Michael McCaul.

Liu Yuyin, phát ngôn viên của phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Geneva, đã cảnh báo rằng việc kêu gọi để Đài Loan tham gia vào hội đồng đã gửi một thông điệp sai lầm đến các lực lượng ủng hộ độc lập tại hòn đảo này và chỉ trích Washington “đang chính trị hóa” những nỗ lực toàn cầu để chống lại đại dịch.

Liu ám chỉ đến cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar với các quan chức y tế Đài Loan, bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Mỹ để Đài Loan tham gia vào các sự kiện của WHO với tư cách quan sát viên.

“Với cách làm như vậy, Hoa Kỳ đã chính trị hóa công việc phòng chống dịch bệnh và gửi một tín hiệu rất sai lầm tới lực lượng ly khai tại Đài Loan, Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này,” Liu nói trong một bản tuyên bố công khai.

Ông Liu cũng phản đối các cáo buộc rằng Đài Loan đã không được thông báo chính xác khi COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Đại lục, khi nói rằng cả Bắc Kinh và WHO đã liên lạc với hòn đảo này kể từ khi dịch bệnh bùng phát và Bắc Kinh đã cung cấp “sự trợ giúp to lớn”.

Zhu Songling, giáo sư chuyên về các vấn đề xuyên eo biển của Đại học Liên đoàn Bắc Kinh, cũng cảnh báo rằng các vết rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày càng rộng khi hai nước chuyển hướng sang Đài Loan.

Zheng Zhenqing, một chuyên gia về các vấn đề Đài Loan của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, thì chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề chủ quyền bất chấp áp lực từ Mỹ.

“Lý do khiến Mỹ tăng cường áp lực lên Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan là vì Washington có thái độ thù địch chống Bắc Kinh,” ông Zheng nói.

“Quân bài Đài Loan chỉ là một trong nhiều quân bài mà Washington có thể chơi. Nếu Mỹ muốn thể hiện lập trường chống Trung Quốc, khi đó Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài phải đứng vững và bảo vệ lợi ích của chính mình.” 

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cho biết hôm thứ Ba rằng Bắc Kinh đã không cai trị hòn đảo này kể từ năm 1949, và quyết định năm 1971 thay thế đại diện tại Liên Hợp Quốc của Trung Quốc của Đài Bắc bằng Bắc Kinh đã không giải quyết câu hỏi về Đài Loan và không cho Bắc Kinh quyền đại diện cho hòn đảo này về mặt quốc tế.

“Chỉ có chính phủ được bầu cử một cách dân chủ mới có thể đại diện cho 23 triệu người Đài Loan trong cộng đồng quốc tế,” ông Ou nhấn mạnh.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: