Việc Trung Quốc sử dụng lượng lớn “vận động viên nhập tịch” thi đấu Olympic đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên truyền thông nước ngoài. Đặc biệt, số lượng các cầu thủ nước ngoài được chiêu mộ bởi các đội khúc côn cầu trên băng nam và nữ của Trung Quốc đã khiến giới chuyên môn phải sửng sốt.

shutterstock 1630080733
Vận động viên trượt tuyết Cốc Ái Lăng (Ảnh: Svend S. Nielsen / Shutterstock)

Ngày 9/2, Washington Post đăng một bài viết nói rằng Trung Quốc đang phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các vận động viên nhập tịch để tham gia các môn thể thao mà trước đây họ khó có thể giành huy chương, bao gồm trượt băng nghệ thuật, khúc côn cầu trên băng và trượt tuyết.

Tờ Washington Post dẫn lời bình luận viên thể thao Sean Wang của Bắc Kinh: “Các vận động viên nhập tịch là một con đường tắt – một phương án ứng phó nhu cầu cấp thiết – để nước chủ nhà bắt kịp và nâng cao thành tích trong một lĩnh vực nào đó.”

Wang cho biết, trọng tâm tìm kiếm của Trung Quốc chủ yếu là các vận động viên gốc Hoa, bởi vì “đối với những người Trung Quốc bình thường, nếu đội tuyển quốc gia của chúng ta hoàn toàn do những gương mặt không phải người Trung Quốc tổ hợp thành, đặc biệt là hội thể thao mùa đông được tổ chức trên sân nhà, điều này có thể khiến người khác khó chấp nhận.”

Bắc Kinh bắt đầu thu hút lượng lớn các vận động viên nhập tịch, làm dấy lên lo ngại

Washington Post cho biết, mặc dù các vận động viên nhập tịch rất thường thấy trong thi đấu thể thao ở nhiều quốc gia khác, nhưng cách làm này ở Trung Quốc là tương đối mới. Bà Susan Brownell, một nhà nhân chủng học tại Đại học Missouri ở St. Louis, và cũng là chuyên gia thể thao Trung Quốc nói về việc Trung Quốc chiêu mộ ồ ạt các vận động viên nhập tịch: “Khi tôi ý thức được rằng điều đó đang xảy ra, tôi đã rất sốc. Nói thẳng ra, nguyên nhân mà điều này chưa từng xảy ra trước đây chính là do tâm lý thù hận nước ngoài.”

Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong các môn thể thao mùa đông trong thời gian dài. Vào tháng 11/2018, Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã kêu gọi các trường thể thao và hiệp hội thể thao mùa đông nới lỏng các hạn chế về quốc tịch và khuyến khích Hoa kiều và các vận động viên gốc Hoa tham gia thi đấu.

Trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, tỷ lệ các vận động viên nước ngoài trong các đội khúc côn cầu trên băng nam và nữ của Trung Quốc đã khiến thế giới bên ngoài ngạc nhiên. Tờ Washington Post dẫn lời ông Mark Simon, một giám đốc điều hành kinh doanh người Canada từng làm việc với các câu lạc bộ thanh niên Trung Quốc, cho biết: “Rõ ràng là khoảng một năm trước, [Bắc Kinh nhận ra rằng] chỉ sử dụng người Trung Quốc và chỉ sử dụng các cầu thủ truyền thống của Trung Quốc thì sẽ không hiệu quả.”

Trong Thế vận hội Mùa đông này, 11 trong số 23 thành viên của đội khúc côn cầu trên băng nữ Trung Quốc là cầu thủ nhập tịch; trong khi có tới 15 trong số 25 thành viên của đội khúc côn cầu trên băng nam Trung Quốc sinh ra ở nước ngoài. Đội khúc côn cầu trên băng nam đã thi đấu trận đầu tiên với đội Mỹ vào ngày 10/02, thua đội Mỹ với kết quả 0 – 8.

Ông Mark Simon cho biết, ông không nghĩ rằng việc này gửi một thông điệp tốt đến ngoại giới. Nếu bạn có chính sách không cho phép mang hai quốc tịch, nhưng bạn đang nói rằng cách duy nhất để có thêm được một nửa thể diện cho kết quả trận đấu chính là đưa một nhóm người da trắng vào đội, “Tôi không nghĩ rằng công chúng sẽ hiểu”.

Động thái của ĐCSTQ đã thực sự bị chỉ trích bởi một số cư dân mạng Trung Quốc. Một người nói: “Tại lại có sao nhiều người không có huyết thống Trung Quốc như thế này?”

Để hưởng ứng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, vận động viên trượt băng nghệ thuật Trung Quốc đã giải nghệ Trần Lộ (Chen Lu) đã phát động một cuộc tìm kiếm tài năng quốc tế, cuối cùng đã đưa 4 vận động viên trượt băng sinh ra tại Mỹ đến Trung Quốc để đào tạo, chỉ có Zhu Yi (Zhu Yi) lọt vào danh sách cuối cùng.

Tại Trung Quốc, vận động viên nhập tịch thắng được tung hô, thua bị sỉ vả

Bài viết nhận định, nỗ lực quốc tế hóa thể thao Trung Quốc của Ủy ban Olympic Trung Quốc không khiến những khán giả theo chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt theo dõi các vận động viên sinh ra ở nước ngoài. Khi mọi việc suôn sẻ, giống như Eileen Gu (Cốc Ái Lăng), khán giả đón nhận họ với niềm tự hào, nhưng một khi xảy ra sai sót trong thi đấu thể thao hoặc ở nơi khác thì tình hình trở nên nguy hiểm.

Eileen Gu và Zhu Yi (Chu Dị), đều sinh ra ở Mỹ và đại diện cho đội tuyển Trung Quốc trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, những trải nghiệm của họ ở Trung Quốc đã thể hiện điều này một cách sâu sắc.

Màn trình diễn của Eileen Gu trong Thế vận hội khiến cô được chào đón như một người hùng Trung Quốc cả ở trong và ngoài sân thi đấu. Eileen Gu là vận động viên trượt tuyết tự do, được truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “Công chúa trên tuyết” và được giới truyền thông ca ngợi là “cô gái thiên tài“. Cô đã được làm đại diện cho nhiều nhãn hàng ở Trung Quốc. Trong nội dung thi trượt tuyết tự do vào ngày 8/2, Eileen Gu đã giành chức vô địch, và thông tin ngay lập tức bùng nổ trên internet, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin “Eileen Gu làm nên lịch sử”.

Sau đó, Eileen Gu đã có cuộc gặp đặc biệt với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát chống tham nhũng cao nhất của ĐCSTQ. Các bộ ngành khác cũng báo cáo về Eileen Gu. Ví dụ, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo một câu chuyện về người bà của cô. Eileen Gu cũng chiếm một vị trí nổi bật trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Truyền thông Mỹ CNN cho rằng Eileen Gu đã trở thành đại diện tiêu biểu cho loại hình vận động viên mới do Bắc Kinh dựng lên.

Lúc này, truyền thông nước ngoài lại chú ý đến một vận động viên nhập tịch khác là Zhu Yi. Kể từ sau khi bị ngã trên sân thi đấu Thế vận hội, Zhu Yi đã bị chế giễu và liên tiếp bị châm biếm, bị chửi đổng trên mạng xã hội Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc đã xúc phạm vì cô nói tiếng phổ thông Trung Quốc không lưu loát, đặt câu hỏi liệu cô có thích hợp để thi đấu tại Thế vận hội, đồng thời còn chế nhạo cô “hãy học tốt tiếng Trung Quốc trước, rồi mới nói về yêu nước”.

Ngày 7/2, Zhu Yi thừa nhận rằng những bình luận xúc phạm trên mạng xã hội Trung Quốc đã gây rất nhiều áp lực cho cô.

Một số bình luận trên mạng cho rằng những hành động này của những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc cho thấy họ “tôn sùng chiến thắng, chứ không phải là tham gia, hiểu biết và toàn lực phấn đấu theo tinh thần Olympic”.

Ngoài ra, sự không chắc chắn của Trung Quốc về cách xử lý các cầu thủ nhập tịch dường như đã dẫn đến các trường hợp kỳ lạ, chẳng hạn như thủ môn khúc côn cầu trên băng nữ sinh ra tại Canada, Kimberly Newell cho biết cô không được phép dùng tiếng Anh để trả lời phóng viên khi xuất hiện trên các kênh truyền thông sau trận đấu ngày 6/2. Tờ Washington Post cho biết cảnh tượng này phản ánh mối quan hệ của Bắc Kinh với các vận động viên sinh ra ở nước ngoài, những người ủng hộ các đoàn thể thao Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không cho phép công dân mang 2 quốc tịch, nhưng để thu nhận các vận động viên nhập tịch, việc Bắc Kinh liệu có nới lỏng yêu cầu này hay không cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài.

Theo ESPN đưa tin, Jeremy Smith, người đang chơi cho đội khúc côn cầu trên băng nam Trung Quốc, cho biết “Tôi đã nói với Trung Quốc rằng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ hộ chiếu Mỹ của mình và họ nói rằng điều đó không sao cả.”

Tình cảm dân tộc hay thay đổi thất thường

Tờ Washington Post đưa tin, tình cảm chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc nổi tiếng là thay đổi thất thường. Vào thời điểm mà quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ, các vận động viên người Mỹ gốc Hoa tại Thế vận hội như vận động viên trượt băng nghệ thuật Nathan Chen và Vincent Zhou đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc lạnh nhạt và mỉa mai.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho rằng những gì đã xảy ra với một thế hệ vận động viên người Mỹ gốc Hoa mới đã thay đổi đáng kể so với thế hệ vận động viên người Mỹ gốc Hoa thời đầu thi đấu trên đất Trung Quốc. Các cựu ngôi sao thể thao người Mỹ gốc Hoa, chẳng hạn như vận động viên quần vợt Zhang Depei (Trương Đức Bồi) và vận động viên trượt băng nghệ thuật Kwan Yingshan (Quan Dĩnh San), đã nổi lên như những người hùng ở Trung Quốc vì họ là gốc Hoa.

Bài viết của WSJ cho biết: “Không chỉ Nathan Chen và Vincent Zhou sẽ không được hưởng sự sùng bái tự động như nhau, họ còn có thể phải tham gia thi đấu trong một môi trường chính trị có thể khiến họ bị gắn mác phản bội hoặc kẻ ác.”

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: