Truyền thông Bắc Hàn hôm thứ Ba (11/6) đã kêu gọi Mỹ hãy “rút lại chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng nếu không các thỏa thuận được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore một năm trước có thể trở thành “tờ giấy trắng”.

Embed from Getty Images

Tuyên bố trên của Bắc Hàn do Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) công bố đồng điệu với một cảnh báo tuần trước của hãng truyền thông nhà nước này và phản ánh sự đình trệ trong quan hệ Mỹ – Bắc Hàn từ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai tại Hà Nội, Việt Nam kết thúc thất bại hồi tháng Hai.

Thượng đỉnh Hà Nội đổ vỡ vì những yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa Bắc Hàn và yêu cầu của Bắc Hàn về dỡ bỏ trừng phạt.

“Chính sách kiêu ngạo và đơn phương của Mỹ sẽ không bao giờ hiệu quả đối với DPRK, đất nước vốn coi trọng chủ quyền,” KCNA tuyên bố, sử dụng tên chính thức của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK).

Bản tin của KCNA nói rằng tuyên bố chung bốn điểm được ông Trump và ông Kim ký vào ngày 12/6 năm ngoái, cam kết làm việc hướng tới một mối quan hệ mới “có nguy cơ trở thành tờ giấy trắng vì Mỹ đang nhắm mắt làm ngơ việc thực thi cam kết của mình.”

“… bây giờ là thời điểm cho Mỹ phải rút lại chính sách thù địch của mình liên quan tới DPRK,” KCNA nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Hai (10/6) đã nói rằng ông tin các cuộc đàm phán giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc và giữa Bắc Hàn và Mỹ sẽ sớm được nối lại.

Trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Phần Lan, Tổng thống Moon nói rằng các cuộc đàm phán đang được thực hiện để bàn về một cuộc họp thượng đỉnh lần ba giữa Bắc Hàn và Mỹ, “do đó, tôi không nghĩ đây là tình huống cần sự tham gia của một nước thứ ba.”

Tuần trước, Tổng thống Trump cũng nói rằng ông mong chờ gặp lại ông Kim vào thời điểm phù hợp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hôm 10/6 cho biết Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tham dự thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này và sau đó sẽ tới thăm Hàn Quốc, gặp Tổng thống Moon, điều phối các nỗ lực về phi hạt nhân hóa Bắc Hàn hoàn toàn, có thể kiểm chứng.

Như Ngọc