Ngày 12/5, lần đầu tiên Triều Tiên xác nhận có ca bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Có thông tin chỉ ra, đợt bùng phát dịch COVID-19 này ở Triều Tiên bắt nguồn từ việc lây nhiễm trong cuộc duyệt binh lớn hồi tháng Tư vừa qua.

p3148771a34743463
Dịch COVID-19 ở Triều Tiên đang bùng phát dữ dội. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thừa nhận tình trạng hỗn loạn lớn nhất kể từ khi lập quốc. (Ảnh: kênh truyền thông chính thức của Triều Tiên).

Theo Reuters, trước đó Triều Tiên luôn tuyên bố rằng nước này không có trường hợp nào nhiễm COVID-19, tuy nhiên gần đây lại xảy ra một đợt bùng phát lớn. Từ khi công bố đợt bùng phát đầu vào tuần trước, Triều Tiên báo cáo hiện có 1.978.230 người có các triệu chứng sốt và 63 trường hợp tử vong. Nhà cầm quyền Triều Tiên đã phong tỏa toàn quốc, trong khi cả Hàn Quốc và Mỹ đã đề xuất giúp Triều Tiên chống lại dịch bệnh, các hỗ trợ liên quan đã được cung cấp nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Một nguồn tin tình báo Hàn Quốc tiết lộ, đợt bùng phát ở Triều Tiên diễn ra sau cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Bình Nhưỡng vào tháng Tư vừa qua.

Truyền thông Hàn Quốc hôm thứ Tư (18/5) dẫn lời một số nghị sĩ cho biết, xác nhận đầu tiên của Triều Tiên về sự lây lan của COVID-19 xảy ra sau một cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Bình Nhưỡng vào tháng Tư. Theo hãng thông tấn Yonhap, các nghị sĩ này cho biết Triều Tiên đã xem xét lại lập trường trước đây của họ về việc tiếp nhận và phân phối vắc xin.

Truyền thông Newsis của Hàn Quốc cũng đưa tin, các quan chức Triều Tiên xác nhận rằng bệnh nhân đầu tiên của nước này là một sinh viên đại học tham gia trong hoạt động diễu hành quân sự, và nguồn lây nhiễm người này là một người thân gần đây đã đến Trung Quốc để thăm họ hàng.

Còn theo KCNA, kể từ cuối tháng Tư có dịch đến nay, Triều Tiên báo cáo hơn 1,98 triệu người đã bị sốt và ít nhất 740.160 người đã được cách ly.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Triều Tiên tiết lộ, sự bùng phát của virus BA.2 được gọi là “Omicron ẩn” có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 30% đến 50% so với biến thể Omicron ban đầu. Các vấn đề như nền kinh tế khó khăn kinh niên của Triều Tiên và phần lớn dân số bị suy dinh dưỡng có thể khiến đợt bùng phát lây lan nhanh chóng hơn.

Ông Kim Jong-un đã thị sát Bộ Chỉ huy Phòng chống Dịch khẩn cấp Quốc gia vào ngày 12/5 để kiểm tra công tác phòng chống dịch và tình trạng lây lan. Cuộc họp giao ban chỉ ra rằng một căn bệnh không rõ nguyên nhân đã lây lan nhanh chóng ở Triều Tiên kể từ cuối tháng Tư, làm tổng cộng khoảng 350.000 người đã xuất hiện các triệu chứng sốt, trong đó 162.200 người đã bình phục còn khoảng 187.800 người hiện đang được cách ly và điều trị tập trung.

Theo Yonhap, tháng Tư năm nay kỷ niệm 10 năm trị vì của ông Kim Jong-un, trùng với kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Kim Il-sung và 90 năm ngày thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên. Trước đó vào tháng Giêng, Triều Tiên đã tổ chức cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao đông và thậm chí đã thông qua một nghị quyết, cố gắng biến sự kiện tháng Tư trở thành lễ kỷ niệm lớn nhất trong lịch sử với thời gian chuẩn bị trong vài tháng.

Thông tin đề cập rằng lễ kỷ niệm lấy Bình Nhưỡng làm trung tâm, mời thanh niên và sinh viên đại học từ các khu vực khác, đồng thời cử 72 đơn vị quân đội và các học viện quân sự trên khắp đất nước tham gia sự kiện. Sự kiện được tổ chức ở cùng một địa điểm với hàng chục ngàn người đến từ khắp cả nước, khiến dù chỉ một người từng nhiễm thì dịch bệnh cũng lây lan nhanh chóng. Phân tích cho rằng việc ông Kim Jong-un thúc đẩy hoạt động này là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát.

Phát biểu tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào tối thứ Hai (25/4), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng cũng trưng bày tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bị cấm tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Trước đó vào tháng Ba, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất được biết đến, đã làm dấy lên sự lên án và lo ngại của cộng đồng quốc tế. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này có khả năng mang hạt nhân cho phép Triều Tiên có thể bấn tới đất liền nước Mỹ. Ngoài tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cũng được Triều Tiên trưng bày tại lễ duyệt binh.

Kể từ cuộc gặp thất bại năm 2019 giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vụ thử vũ khí hạt nhân, các cuộc đàm phán ngoại giao đối với Triều Tiên đã không thể thúc đẩy được.