Mới đây, hãng truyền thông nhà nước nổi tiếng của Nga đã lần đầu tiên đưa tin lên án cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, kể từ khi Nga “tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Embed from Getty Images

Một báo cáo do hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đăng tải hôm 29/3 có tiêu đề “Chúng tôi không mong đợi điều này”. Họ đã tiến hành các cuộc phỏng vấn với những người lính bị thương khi chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine, và những người này vô cùng thất vọng không nhận được khoản bồi thường như Tổng thống Nga từng cam kết.

Mặc dù nhiều khách mời trên đài truyền hình nhà nước Nga gần đây đã bày tỏ sự thất vọng với cuộc chiến đang diễn ra, nhưng các cơ quan truyền thông nhà nước như RIA Novosti vẫn trung thành với đường lối của Điện Kremlin. Điều này là do quốc hội Nga đã thông qua luật vào tháng 3/ 2022 áp đặt mức án tù lên tới 15 năm đối với tội cố ý tung tin “giả mạo” về quân đội Nga. Điện Kremlin sử dụng luật này để trấn áp những người bất đồng với lập trường của ông Putin về cuộc chiến.

Các nhà chức trách Nga cấm các phương tiện truyền thông gọi cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin là một “cuộc chiến” – thay vào đó phải sử dụng thuật ngữ “chiến dịch quân sự đặc biệt”, mà RIA Novosti đã đưa ra trong báo cáo của mình.

Đầu tháng 2/2022, chỉ ngay sau một tuần tham chiến, ông Putin đã cam kết, thương binh có thể yêu cầu bồi thường ba triệu rúp (50.000 đô la). Ông tuyên bố, “nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ gia đình của những đồng đội đã hy sinh và bị thương trong chiến tranh.”

Nhưng đến tháng 4, Bộ Quốc phòng Nga lại công bố trên trang web của mình rằng, để đủ điều kiện được bồi thường, những người bị thương phải nằm trong danh sách chính thức — một động thái được đưa ra khi có báo cáo cho thấy Nga đang chịu thương vong nặng nề trong cuộc chiến.

Anh Sergey Abramov, một cư dân Krasnoyarsk, người đã được điều động đến chiến đấu ở khu vực Donetsk đang tranh chấp của Ukraine vào cuối năm 2022 sau ba tháng huấn luyện, nói với RIA Novosti rằng anh ta bị sốc đạn, phải nhập viện và sau đó được chẩn đoán là bị chấn thương do bom mìn và tổn thương màng.

Bất chấp những thương tích của mình, anh Abramov không được bồi thường, vì một bệnh viện khác đã viết ghi chú rằng anh ta chỉ đơn thuần bị “phản ứng cấp tính với căng thẳng”. Anh đã kháng cáo lên văn phòng công tố quân sự.

Hãng tin RIA Novosti lưu ý, các nhà hoạt động nhân quyền đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sắc lệnh của tổng thống Putin khác với danh sách chính thức được Bộ Quốc phòng công bố vài tuần sau đó.

“Các bác sĩ thường liệt kê các triệu chứng, nhưng không liệt kê nguyên nhân của chúng. Trong khi các quân nhân không soạn thảo giấy tờ để thanh toán,” báo cáo nêu rõ.

Hãng tin dẫn lời một nhà hoạt động nhân quyền cho hay, các bác sĩ thường viết trong hồ sơ bệnh án rằng, bệnh nhân có “Phản ứng cấp tính với căng thẳng”; “Tình trạng suy nhược” (tăng mệt mỏi); “Hội chứng suy nhược thần kinh, được xác định theo tình huống” (mệt mỏi về cảm xúc và khó chịu). 

“Đây không được coi là một tổn thương, chấn thương hay chấn động,” nhà hoạt động nói.

Một người lính Nga khác đến từ Dagestan, tên là Alexander, đã bị sốc đạn vào mùa hè năm ngoái ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine, một trong bốn khu vực mà ông Putin tuyên bố đã sáp nhập vào mùa thu năm 2022.

Alexander cho biết, anh bị va đập đầu và được chẩn đoán ban đầu là “chấn thương sọ não kín.” Nhưng sau đó, văn phòng công tố quân sự ở Nga kết luận, “đây không phải là một vết thương, mà là một căn bệnh” và anh ta không nên hy vọng chính phủ sẽ thanh toán bồi thường.

Theo RIA Novosti, nhiều quân nhân đã phàn nàn về tình trạng tham nhũng với một nhà hoạt động nhân quyền ở Nga. “Chúng tôi đã bị lợi dụng,” một người lính nhận định.

Hãng thông tấn nhấn mạnh, các binh sĩ Nga muốn công lý và muốn các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này “trước khi nó trở nên phổ biến”.

Minh Ngọc (Theo Newsweek)