Tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 1/6, Donald Trump tuyên bố thẳng thừng rằng ông sẽ rút Mỹ khỏi thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhưng ngay lập tức nói thêm rằng: Hoa Kỳ sẽ bắt đầu đàm phán để tái gia nhập hoặc xây dựng một thoả thuận mới về khí hậu.

Trong khi ông Trump phàn nàn rằng thoả thuận này sẽ “làm què quặt” nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách cưỡng bức sự “phân phối của cải từ Mỹ sang các nước khác“, ông cũng chỉ bước một chân khỏi cánh cửa này. Ông thậm chí đã nói rằng sẽ làm việc với các nghị sĩ Dân chủ để “ngay lập tức tái thương lượng gia nhập” thoả thuận Paris.

Biểu tình phản đối quyết định rời bỏ thoả thuận khí hậu Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhưng dường như nhiều kênh thông tin lớn trong giới truyền thông chỉ cần nghe nửa đầu của câu nói của ông và ngay lập tức kết luận rằng đây mà một quyết sách tồi tệ.

Tờ báo cánh tả Huffington Post, tờ báo từng kết luận Clinton chiến thắng hoàn toàn trong 3 cuộc tranh luận và dự đoán bà sẽ chiến thắng dễ dàng cuộc bầu cử Tổng thống, chạy dòng tít: “Trump nói với Trái đất: Đi chết đi!“.

Giới truyền thông không ngại gì khi kết luận Trump đã khiến Mỹ xếp ngang hàng với Syria và Nicaragua là những nước không tham gia thoả thuận khí hậu này, mặc dù ông đã nhấn mạnh rằng cái ông cần là một thoả thuận tốt hơn cho nước Mỹ.

Tờ Washington Post hôm 1/6 có bài viết gọi quyết định của trump là “một hành động tôn trọng lời hứa tranh cử, nhưng mang tới rủi ro đoạn tuyệt với đồng minh toàn cầu và khiến cả các nhà vận động môi trường và các tập đoàn kinh tế thất vọng“. Tờ báo gọi việc này “có thể khiến quốc tế phản ứng mạnh mẽ. Nó có thể làm dấy lên ngờ vực về cam kết của nền kinh tế lớn nhất thế giới về việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu và khiến việc giữ các nước khác thực hiện cam kết của họ khó hơn“.

Tờ New York Times thì có bài phân tích sáng hôm sau tựa đề “Thoả thuận Khí hậu có thể sống sót nếu Kẻ làm ô nhiễm hàng đầu của lịch sử rút lui hay không?“.

Một quyết định quay lưng khỏi hiệp định có thể là một sự thụt lùi trọng yếu, theo định nghĩa chính trị và thực tiễn, đối với những nỗ lực đối mặt với biến đổi khí hậu… và điều này có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình đối với việc tìm giải pháp cho biến đổi khí hậu“, bài báo viết.

Tin bài của giới truyền thông dường như chỉ tập trung vào phần “rút lui” trong quyết định của Trump mà không chú ý tới phần “tái thương lượng để gia nhập lại” và việc thoả thuận Paris do Obama ký không công bằng đối với Hoa Kỳ như thế nào.

Thoả thuận chống biến đổi khí hậu Paris 2015 đã bị Thượng viện Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ, do đó ông Obama dùng quyền Tổng thống để ký thông qua dưới hình thức thoả thuận chứ không phải hiệp ước. Theo thoả thuận này, Mỹ sẽ phải cắt giảm 25% lượng khí thải CO2 vào năm 2025 so với mức năm 2005 và chi nhiều tỷ USD cho các nước đang phát triển để họ đạt được mục tiêu giảm thải khí nhà kính của mình. Thoả thuận Paris cho phép mỗi nước tự đăng ký mục tiêu giảm CO2 của mình và không quy định hậu quả pháp lý nếu các nước tham gia không đạt.

Trong khi đó, những bang và các tập đoàn kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc khai thác than và dầu mỏ đang ăn mừng vì Tổng thống Trump đã giữ vững cam kết đối với họ.

Tỷ phú dầu mỏ T. Boone Pickens nói Trump đã cứu nước Mỹ khỏi “một thoả thuận tồi tệ khác” dưới thời Obama:

Nước Mỹ nên tán thưởng quyết định rút khỏi thoả thuận khí hậu của Tổng thống Trump. Chúng ta nên theo đuổi một thoả thuận môi trường mới trên một sân khấu quốc tế đảm bảo các cam kết công bằng, hợp lý và có thể đạt được bởi tất cả các quốc gia. Việc này sẽ bảo vệ việc làm Hoa Kỳ và tạo ra một cơ hội khác cho nước Mỹ tận dụng mọi thứ liên quan đến năng lượng“.

Trong tuyên bố của mình, ông Trump giải thích: “Thoả thuận Paris không công bằng ở mức độ cao nhất đối với Hoa Kỳ. Ở thời điểm này, nó có thể khiến nền kinh tế mất đi 3 tỷ USD từ GDP và 6,5 triệu việc làm công nghiệp, trong khi các hộ gia đình Mỹ sẽ mất đi 7.000 USD thu nhập, trong nhiều trường hợp, hậu quả còn tồi tệ hơn“.

Nhưng trong khi chờ đợi sự giải thích cặn kẽ hơn về các nội dung tái đàm phán gia nhập thoả thuận Paris hay thậm chí xây dựng một thoả thuận khí hậu hoàn toàn mới, ông Trump và chính quyền của ông phải đối mặt với làn sóng phê phán không ngớt từ các nhóm vận động môi trường và dư luận, quốc tế cũng như trong nước, về quyết định giữ vững lời hứa tranh cử của mình.

Trọng Đức

Xem thêm: