Tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích các Thượng nghị sĩ Ted Cruz (đảng Cộng hòa, tiểu bang Texas) và Mitt Romney (đảng Cộng hòa, tiểu bang Utah) là “nông cạn” khi đưa ra những bình luận về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Đây được xem là một cuộc tấn công kỳ lạ bởi cả 2 thượng nghị sĩ đều phản đối việc tẩy chay sự kiện này.

Thế vận hội
(Ảnh minh họa: Anton_Ivanov/Shutterstock)

Các tổ chức nhân quyền và hiệp hội đại diện cho các nhóm thiểu số bị đàn áp ở Trung Quốc đang vận động tiến hành một cuộc tẩy chay trên quy mô toàn cầu đối với Thế vận hội Olympic dự kiến được tổ chức tại quốc gia này, nhằm đối phó với nạn diệt chủng người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cuộc đàn áp đang diễn ra đối với vùng Tây Tạng bị chiếm đóng, và vô số dẫn chứng về hành vi vi phạm nhân quyền một cách tàn bạo chống lại các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở trong nước. Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã công khai mô tả chiến dịch nô lệ hóa, triệt sản, hãm hiếp và tàn sát người Duy Ngô Nhĩ là “tội ác diệt chủng.”

Ông Cruz mới đây đã đăng tải một bài viết trên Fox News, trong đó lập luận rằng các vận động viên Mỹ xứng đáng có đặc quyền thi đấu Olympic tại Trung Quốc và điều này sẽ xóa bỏ sự bất bình của các dân tộc thiểu số bị đàn áp ở Trung Quốc. Trong ấn phẩm cực tả New York Times, tờ báo đã đăng những nội dung bảo vệ chủ nghĩa cộng sản, Romney cho rằng khán giả Mỹ nên tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, nhưng các vận động viên vẫn nên tham dự. Romney đã tích lũy kinh nghiệm tổ chức Thế vận hội với tư cách là trưởng ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông Thành phố Salt Lake 2002.

Tờ Global Times cho biết 2 thượng nghị sĩ trên đã không hành động một cách thiện chí khi bảo vệ Thế vận hội Bắc Kinh, mà đây thực ra là “những toan tính lớn.”

“Tuyên bố được đưa ra bởi các thượng nghị sĩ Mỹ chỉ chứng minh rằng họ không có quan điểm nào đối với mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất trên thế giới,” theo Global Times. “Họ nghĩ rằng mình cao thượng với Trung Quốc, nhưng chính việc theo đuổi sự cao thượng này đã khiến họ ngày càng trở nên nông cạn hơn. Họ hành xử bằng cách dùng mọi biện pháp có thể để trấn áp Trung Quốc. Chính trị hóa các chương trình nghị sự xã hội, dù là thể thao hay vắc-xin, đã trở thành một cách tiếp cận điển hình.”

Tờ Global Times cảnh báo rằng họ là những chính trị gia ranh mãnh và có những toan tính lớn. Tờ này đã công kích Cruz khi ông coi Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” và khuyến khích các đối thủ không “bỏ chạy” khỏi Thế vận hội và hãy để Trung Quốc giành chiến thắng.

Bài báo cũng tuyên bố mọi nỗ lực tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 đều sẽ thất bại, lưu ý rằng các chiến dịch tương tự nhằm ngăn chặn Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 cũng bất thành. Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng đây là một sự kiện “thành công,” Thế vận hội 2008 đã vướng vào những cuộc tranh cãi về bằng chứng “gian lận xuất hiện tràn lan” của các trọng tài và vận động viên Trung Quốc, trong đó có việc cáo buộc quốc gia này đã ép các vận động viên thể dục dụng cụ dưới độ tuổi quy định phải thi đấu với phụ nữ. Thế vận hội cấm các vận động viên dưới 16 tuổi thi đấu, trong đó có ít nhất 3 cô gái thuộc đội thể dục dụng cụ Trung Quốc bị cáo buộc không đáp ứng được điều kiện này, theo New York Times. Đội Trung Quốc đã giành huy chương vàng môn thể dục dụng cụ, gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu và việc điều tra chưa bao giờ được tiến hành một cách kỹ lưỡng. Những môn thể thao như lặn cũng đặt ra nghi vấn rằng các trọng tài địa phương đã đối xử thiên vị với Trung Quốc trước lợi thế sân nhà.

Khi kêu gọi các vận động viên Mỹ thi đấu tại Bắc Kinh một lần nữa, cả ông Cruz và Romney đều không đề cập đến vấn đề đánh giá và thi đấu một cách bất hợp pháp trên đất Trung Quốc, hoặc lo ngại rằng điều đó có thể xảy ra một lần nữa, tước đoạt chiến thắng của người Mỹ một cách bất công.

Ông Cruz đưa ra lập luận việc kêu gọi tẩy chay Thế vận hội đã đặt ra nghi vấn rằng chính quyền Biden đã có một chính sách yếu kém trong vấn đề với Trung Quốc. Bài báo của ông không nhắc đến việc ngoại trưởng dưới thời tổng thống Trump, Mike Pompeo, là quan chức đầu tiên đề cập đến khả năng xảy ra cuộc tẩy chay và chính quyền Biden đã tỏ ra do dự, thay vì háo hức đón nhận chiến dịch tẩy chay.

Vào tháng 3/2021, sau khi rời nhiệm sở, ông Pompeo lên tiếng kêu gọi việc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 một cách gay gắt.

“Chúng tôi không thể cho phép các vận động viên Mỹ đến Bắc Kinh và thưởng tặng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khi họ đang thực hiện tất cả các hành vi tồi tệ, xấu xa trên quy mô toàn cầu,” ông Pompeo nói. “Thế giới phải đoàn kết. Thế vận hội là nơi thể hiện sự tự do và tài năng trong lĩnh vực thể thao. Và việc để họ tới Bắc Kinh là điều hoàn toàn không phù hợp.”

Một liên minh gồm người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và các nhóm nhân quyền nói chung đã công bố một bức thư ngỏ vào tháng 2/2021, trong đó kêu gọi thế giới, không chỉ Mỹ, tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, lưu ý rằng tình hình nhân quyền tại Trung Quốc đã xấu đi một cách đáng kể sau Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.

“IOC [Ủy ban Olympic quốc tế] đã từ chối lắng nghe trong năm 2008, bảo vệ quyết định của mình với tuyên bố rằng họ sẽ chứng minh rằng mình là chất xúc tác để cải thiện vấn đề nhân quyền,” trích nội dung tuyên bố của nhóm. “Như các chuyên gia nhân quyền đã dự đoán, quyết định này đã được chứng minh là vô cùng sai lầm; vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc không những không được cải thiện mà tình trạng vi phạm nhân quyền còn gia tăng một cách đáng kể nhưng lại không bị khiển trách.”

“Bây giờ, vào năm 2021, chúng tôi thấy mình trở lại vị trí cũ với IOC, những người đang từ chối hành động bất chấp có những bằng chứng rõ ràng về tội ác diệt chủng và tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng lan rộng và ngày càng trở nên tồi tệ,” trích nội dung bức thư. “Việc không tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội Bắc Kinh 2022 sẽ được coi là động thái ủng hộ cho sự cai trị độc đoán của ĐCSTQ và coi thường trắng trợn đối với các quyền dân sự nói riêng và quyền của con người nói chung.”

Trung Quốc đã đưa khoảng 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác vào các trại tập trung ít nhất kể từ năm 2017, theo nhiều báo cáo điều tra được các phương tiện truyền thông và các cơ quan nhà nước công bố trong 4 năm qua. Các trại tập trung tương tự cũng đã xuất hiện ở Tây Tạng, nơi người dân địa phương chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt việc sử dụng tiếng Quan thoại và sự cai trị của ĐCSTQ trong khu vực.

Theo Breitbart,

Phan Anh

Xem thêm: