Hôm thứ Năm (11/3), Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng một bài xã luận cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ trong cuộc họp sắp tới giữa các ngoại giao cấp cao của Mỹ và Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh chấm dứt hành động diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ đều là không thể chấp nhận.

Embed from Getty Images

Tờ báo này cũng cho biết việc [Hoa Kỳ] lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan của chính quyền cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông có thể là một phần trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden trong cuộc họp đó. ĐCSTQ đã chính thức hóa một kế hoạch bất hợp pháp nhằm ngăn cản những người hoạt động dân chủ không ủng hộ ĐCSTQ tranh cử vào các cơ quan lập pháp tại Hồng Kông.

Hôm thứ Tư (10/3) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken của Tổng thống Joe Biden xác nhận rằng ông và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì tại Anchorage, Alaska vào ngày 18/3.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận: “Cuộc họp [với Trung Quốc] sẽ diễn ra sau các cuộc họp của Ngoại trưởng Blinken với hai đồng minh thân cận nhất của chúng ta trong khu vực diễn ra tại Tokyo và Seoul. Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan sẽ thảo luật một loạt vấn đề với CHND Trung Hoa [Trung Quốc cộng sản].

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã đưa tin này hôm thứ Năm (11/3), mô tả việc lên lịch cho cuộc họp là một tín hiệu tích cực đối với mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Giống như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về các chủ đề sẽ được thảo luận tại cuộc họp.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổ chức một cuộc họp báo hôm thứ Năm (11/3), tại đó ông đã nói về cuộc họp [giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ] và cho biết rằng ông xem bất kỳ cuộc họp nào đều là một bước tiến trong ngoại giao.

Ông Lý nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tham gia vào các cuộc đối thoại nhiều mặt và nhiều tầng. Ngay cả khi không thể đạt được sự đồng thuận vào lúc này, chúng ta có thể trao đổi quan điểm, tăng cường sự tin tưởng và giải thích những nhầm lẫn, điều này sẽ giúp quản lý và giải quyết các khác biệt.”

Ông Lý được cho là đã xác nhận Washington và Bắc Kinh đã “gặp khó khăn to lớn” trong việc hòa hợp nhưng họ [Trung Quốc và Hoa Kỳ] có trách nhiệm duy trì một mối quan hệ “ổn định” vì phần còn lại của thế giới.

Thời báo Hòan Cầu, thường được coi là một nền tảng để ĐCSTQ đưa ra những quan điểm hiếu chiến nhất của mình, đã cảnh báo trước các quan chức Mỹ trong một bài xã luận hôm thứ Năm (11/3) là không được thảo luận về những hành động tàn bạo vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất của Trung Quốc hoặc cố gắng thuyết phục các quan chức Trung Quốc ngừng vi phạm chúng.

Thời báo Hoàn Cầu khẳng định: “Yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý Tân Cương và ổn định Hồng Kông không khác gì việc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và không thể được xã hội Trung Quốc chấp nhận. Bất kỳ việc trao đổi ý kiến nào vào bất kỳ thời điểm nào về các vấn đề này chỉ là một hình thức liên lạc để giúp Hoa Kỳ hiểu sự thật và giảm sự hiểu lầm và tính toán sai lầm.

Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương là nơi sinh sống của phần lớn người dân tộc Duy Ngô Nhĩ bản địa của Trung Quốc, một cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đa số theo đạo Hồi có rất ít điểm chung với dân tộc Hán vốn chiếm đa số tại Trung Quốc. Ít nhất kể từ năm 2017, nhiều bằng chứng xuất hiện cho thấy rằng ĐCSTQ đã xây hơn 1.000 trại tập trung tại Tân Cương để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số khác. Những người sống sót sau các trại tập trung cho biết các quan chức chính quyền ở đó buộc họ phải tham gia các khóa học nhồi sọ tư tưởng cộng sản, học thuộc các bài hát tuyên truyền của ĐCSTQ, tôn thờ nhà độc tài Tập Cận Bình, và học tiếng Quan Thoại, vốn không phải tiếng bản địa tại Tân Cương. Những người sống sót cho biết những hình phạt đối với người phạm lỗi hoặc thách thức các lính canh trại giam bao gồm tra tấn tàn bạo và hiếp dâm tập thể hàng đêm.

Bên ngoài các trại tập trung, các báo cáo tiết lộ ĐCSTQ bắt hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ và thực hiện chính sách cưỡng bức triệt sản đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ để ngăn chặn nhóm này phát triển.

Một báo cáo được công bố trong tuần này đưa ra các bằng chứng hiện có về tội ác vi phạm nhân quyền tại Tân Cương kết luận rằng Trung Quốc phạm mọi yếu tố của tội diệt chủng quốc tế, mặc dù một quốc gia chỉ cần phạm một trong các yếu tố này sẽ bị kết tội diệt chủng. Các yếu tố này bao gồm giết các thành viên của một nhóm bị nhắm đến, ngăn cản việc sinh đẻ, tách rời trẻ em trong nhóm ra khỏi cha mẹ của mình, và “cố ý phá hoại điều kiện sống của nhóm một cách có tính toán để dẫn đến sự hủy hoại toàn bộ hay một phần về thể chất.

Trong phiên điều trần phê duyệt chức vụ của mình tại Thượng viện trong năm nay, ông Blinken cho biết ông tin rằng tội ác của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ không khác gì tội diệt chủng, giống như quan điểm của người tiền nhiệm, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ngược lại, bản thân ông Biden dường như lại bào chữa cho việc diệt chủng nhóm người Duy Ngô Nhĩ [của ĐCSTQ] trong bài phát biểu tại một chương trình của CNN vào tháng 2/2021.

Ông Biden nói với người dẫn chương trình Anderson Cooper: “Nếu mọi người biết bất kỳ điều gì về lịch sử Trung Quốc, thì thời gian mà Trung Quốc là nạn nhân của thế giới bên ngoài luôn là khi họ không thống nhất trong nước. Điều này thật quá phóng đại, nhưng trọng tâm nguyên tắc của ông Tập Cận Bình là phải có một Trung Quốc thống nhất và được kiểm soát chặt chẽ. Và ông ấy sử dụng lý luận của mình cho những việc mà ông ấy làm dựa trên điều đó.

Ông Biden tiếp tục nói rằng trong cuộc đàm luận đầu tiên của mình với ông Tập trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ, ông đã đề cập đến việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông, nhưng ông chỉ làm vậy vì “không có tổng thống Mỹ nào có thể duy trì được cương vị tổng thống nếu ông ấy không phản ánh các giá trị của Hoa Kỳ” và ông Tập “hiểu điều đó”, điều này cho thấy ông Biden không bày tỏ sự quan ngại nghiêm túc đối với nhân quyền.

Sự mâu thuẫn giữa lời nói của Ngoại trưởng Blinken và Tổng thống Biden để lại nhiều ẩn số về cách mà ông Blinken sẽ tiếp cận trong cuộc họp Mỹ – Trung sắp tới tại Anchorage, bang Alaska.

Thời báo Hoàn Cầu kết luận rằng người Mỹ nên tiếp cận cuộc họp với “sự tôn trọng lẫn nhau” và “quản lý sự khác biệt” thay vì cố gắng thay đổi hành vi tội phạm của Trung Quốc.

Gia Huy (Theo Breitbart News)

Xem thêm: