Hai hãng truyền thông hàng đầu nhà nước Trung Quốc mới đây đã kêu gọi cư dân mạng “cải tạo” Tòa Bạch Ốc tại thủ đô Washington, Mỹ nhằm đáp trả Mỹ thông qua luật ủng hộ phong trào biểu tình dân chủ tại Hồng Kông. Trớ trêu, truyền thông Trung Quốc lại nhầm lẫn Tòa Nhà Quốc hội với Tòa Bạch Ốc. 

Truyen-thong-Trung-Quoc-kich-dong-nhan-dan-pha-hoai-Toa-Bach-Oc
Truyền thông Trung Quốc kích động người dân phá hủy Tòa Bạch Ốc, nhưng lại đưa nhầm ảnh Tòa Nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh chụp màn hình)

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV và Nhân dân Nhật báo chi nhánh hải ngoại – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Tư (4/12) đã đăng lên Facebook hình ảnh kèm với đoạn nội dung như sau: “Mỹ đã thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông. Các bạn được hoan nghênh ‘cải tạo’ Tòa Bạch Ốc”.

Tuy nhiên, hình ảnh mà hai hãng truyền thông Trung Quốc đăng lại là Tòa Nhà Quốc hội Mỹ. Tòa nhà này bị chìm trong biển lửa, và bao vây xung quanh là những người đàn ông mặc áo phông đen và đội mũ bảo hiểm màu vàng – dấu hiệu đặc trưng của những người biểu tình Hồng Kông – đang đập phá và ném đá vào tòa nhà.

CCTV và Nhân dân Nhật báo đã nhanh chóng xóa bài đăng này, nhưng cư dân mạng đã kịp chụp lại hình ảnh để chỉ ra sự kích động bạo lực của truyền thông Trung Quốc và sự nhầm lẫn sơ đẳng của họ về các tòa nhà chính quyền Mỹ.

Nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong – lãnh đạo đảng Demosisto đã đăng lên Facebook ảnh chụp màn hình bài đăng trên Facebook của CCTV, cùng với đó là hình ảnh so sánh giữa Tòa Bạch Ốc và Tòa Nhà Quốc hội Mỹ.

Ủy viên ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa của Oregon, ông Solomon Yue thông qua Twitter đã chỉ trích truyền thông nhà nước Trung Quốc kích động bạo lực.

Hãy hủy thị thực của các phóng viên của Nhân dân Nhật báo và CCTV vì xúi giục phá hoại Tòa Bạch Ốc,” ông Solomon Yue nói.

Chiến dịch truyền thông gây ảnh hưởng

Chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên lấy truyền thông xã hội phương Tây làm một phần của chiến dịch tại hải ngoại của họ nhằm định hướng câu chuyện tiêu cực về các cuộc biểu tình đang tiếp diễn tại Hồng Kông, trong đó họ đóng khung phong trào biểu tình là “bạo động” và là hành động của “những kẻ khủng bố”.

Hồi tháng Tám, Twitter, Facebook và Youtube – tất cả các nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ này đều bị chặn tại Trung Quốc – đã vô hiệu hóa hàng trăm tài khoản liên quan tới chiến dịch xuyên tạc thông tin chống lại người biểu tình do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Trong một bài đăng blog hôm 19/8, Twitter thông báo họ đã đóng 936 tài khoản liên quan tới chế độ Trung Quốc mà đã “cố tình và đặc biệt nỗ lực để reo rắc bất hòa chính trị tại Hồng Kông, trong đó có việc làm suy yếu tính hợp pháp và vị thế chính trị của phong trào biểu tình”.

Các tài liệu gần đây từ Dịch vụ Tin tức Trung Quốc do nhà nước kiểm soát chỉ ra rằng hãng truyền thông này đã chi hàng trăm nghìn USD để mở rộng tiếp cận người dùng trên Twitter và Facebook. Ủy ban Sự vụ Không gian mạng Trung Ương – cơ quan kiểm duyệt internet hàng đầu của Trung Quốc, vào tháng Tám cũng đã chi hàng trăm nghìn USD để thực hiện “thúc đẩy trực tuyến các chủ đề quan trọng”.

Các hãng truyền thông nhà nước như CCTV, Hoàn cầu Thời báo và Nhân dân Nhật báo cũng đã tích cực đăng bài trên mạng xã hội, coi đó là một phần của nhiều nỗ lực nhằm làm suy yếu phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.

Tân Hoa Xã hôm 4/12 đã đăng một đoạn video lên Twitter cho thấy hàng trăm người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh tại Hồng Kông, vẫy cờ đỏ của chế độ Trung Quốc, tuần hành tới lãnh sự quán Mỹ. Những người này đã giẫm đạp lên cờ Mỹ để bày tỏ sự tức giận của họ khi Washington thông qua luật ủng hộ biểu tình Hồng Kông, và họ cũng đấm và đốt hình nộm Tổng thống Donald Trump.

Tương tự, vào ngày 28/11, ngày Tổng thống Trump ký dự luật Hồng Kông thành luật, tài khoản Twitter của Tân Hoa Xã đã đăng nhiều hình ảnh cho thấy một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ủng hộ Bắc Kinh tập trung phản kháng tại Hồng Kông. Một trong những bài đăng của Tân Hoa Xã tuyên bố rằng dự luật mà Mỹ thông qua “đã bị lên án và phản đối mạnh mẽ tại Hồng Kông”. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã lại không đề cập tới một cuộc tập trung trong cùng ngày tại Điện Edinburgh, với hàng nghìn người dân Hồng Kông vẫy cờ Mỹ bày tỏ sự cảm kích của họ vì Washington đã ban hành luật ủng hộ phong trào biểu tình dân chủ tại Hồng Kông.

Như Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: