Nguyên thủ nước lớn duy nhất tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, sau khi hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và ký liên tục 15 thỏa thuận thì ông Putin lập tức về nước ngay mà không tham gia bữa tiệc tối. Có phân tích cho rằng rõ ràng Putin đến Bắc Kinh không phải vì Thế vận hội. Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) tại Đại học Nam Carolina (Mỹ) liên quan đến những thỏa thuận mà ông Putin có được.

shutterstock 634594754
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: plavevski / Shutterstock)

Lần đầu ĐCSTQ phản đối NATO bành trướng về phía đông

Tiến sĩ Tạ Điền cho biết trong cuộc phỏng vấn: “Tôi nghĩ mục đích trước tiên trong chuyến đi của ông Putin là kiếm tiền từ ĐCSTQ; thứ hai là tìm kiếm sự ủng hộ của ĐCSTQ trong quá trình chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ukraine. Chuyến đi này của Putin đã bội thu về mặt ngoại giao, quân sự và kinh tế. Về ngoại giao, trong tuyên bố chung của Tập Cận Bình và Putin, một lần nữa ông Putin khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc… Đó là những lời sáo rỗng không có gì mới, tất nhiên là Putin hiểu rõ ĐCSTQ muốn ông xác nhận lại vấn đề này.

Nhưng điều quan trọng là bây giờ ĐCSTQ đã thực sự đưa ra một chính sách mới phản đối sự mở rộng về phía đông của NATO, đây là thay đổi chiến lược quan trọng vì trước đây chưa bao giờ ĐCSTQ tuyên bố như vậy. Tuyên bố này để lấy lòng Nga nhưng thực tế lại mạo phạm Mỹ, các cường quốc ở Tây Âu và một số nước cộng sản nhỏ ở Đông Âu mới gia nhập NATO, tất nhiên cũng xúc phạm Ukraine”.

Nguồn gốc của xung đột Nga – NATO

Gần đây, ông Putin đã lên tiếng về NATO rằng Nga không mở rộng biên giới về NATO mà NATO lại mở rộng áp sát Nga.

Tiến sĩ Tạ Điền chỉ ra: “Tôi nghĩ điều này liên quan đến định vị của NATO. Hiện nay châu Âu và Mỹ có thái độ rất không rõ ràng về vấn đề này. Tôi nghĩ đây thực sự là sai lầm lớn về mặt chiến lược giữa Mỹ, Pháp và Đức. Tại sao? Vì mục đích ban đầu của thành lập NATO là để chống lại liên minh quân sự Khối Warszawa của lực lượng cộng sản Liên Xô và Đông Âu. Sau đó Tây Âu và Mỹ thành lập NATO là nhằm trực tiếp vào khối Hiệp ước Warsaw.

Khi Liên Xô, các nước cộng sản ở Đông Âu và Khối Warszawa tan rã thì NATO có còn cần thiết không? Tất nhiên tôi nghĩ cần có NATO, nhưng lúc này nó có vấn đề về phương hướng do ý định ban đầu nhắm vào Liên Xô cũ không còn. Vì vậy chỉ trích của ông Putin thực sự chính đáng khiến NATO không thể phản bác. Chỉ trích của Putin là tại sao bây giờ NATO vẫn tồn tại khi Liên bang Xô viết cũng như các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã không còn.

Chúng ta đã thấy dù Putin ở Nga, xuất thân KGB, nhưng đối đầu quyết liệt với thế lực của Đảng Cộng sản Liên Xô. Dù nước Nga hiện nay không thể xem là nước hoàn toàn dân chủ và tự do nhưng cũng thực sự không thể nói là nước cộng sản, vì họ tấn công Đảng Cộng sản Liên Xô. Lúc này NATO đã không có đối thủ thì tại sao vẫn tồn tại? Tại sao tiếp tục mở rộng về phía đông đến biên giới Nga? Do đó trước chất vấn của Nga, NATO thực sự không biết phải trả lời như thế nào, họ thực sự có vấn đề về định vị chiến lược, cũng là vấn đề của Mỹ.

Theo tôi thấy, NATO nên định vị lại hoặc giả định vị rõ ràng hơn. Mục đích tồn tại của NATO ban đầu là để chống lại lực lượng cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, nay họ nên có định vị rõ ràng hơn đó là tiếp tục chống lại các lực lượng của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu, thực tế bây giờ chủ yếu là ĐCSTQ”.

Tại sao các nước phương Tây không thể cứng rắn?

Ông Tạ Điền phân tích rằng dù ĐCSTQ không trực tiếp đối đầu với NATO nhưng lại đứng sau Nga. “Chúng ta thấy đối với 15 thỏa thuận hợp tác mới với Nga này, ĐCSTQ thực sự đang sử dụng tiền và công nghệ đánh cắp từ phương Tây để trực tiếp hỗ trợ Nga làm tiền tuyến cộng sản của ĐCSTQ. Vì vậy, nếu NATO định nghĩa lại thì hiện tại mục tiêu là nhằm vào chủ nghĩa cộng sản của ĐCSTQ và đối với Nga được ĐCSTQ thúc đẩy và sử dụng như một lá chắn. Thực tế NATO có thể tiếp tục lập trường ban đầu của họ là chống lại chủ nghĩa cộng sản, nhưng các nhà lãnh đạo của NATO, từ Mỹ đến Pháp, Đức và Anh cùng không có can đảm tuyên bố thẳng điều này, tức là họ không đủ can đảm và sức mạnh đạo đức để đứng lên tẩy chay ĐCSTQ.

Mọi người đều biết hiện nay ĐCSTQ là nhà cầm quyền tàn bạo nhất theo chủ nghĩa cộng sản, các nước phương Tây cũng biết rằng ĐCSTQ thực sự đang đứng sau lưng hỗ trợ Nga. Tại sao các nước phương Tây không thể cứng rắn hơn? Vì tất cả đều gắn bó lợi ích chặt chẽ với ĐCSTQ. Nói cách khác, tất cả đều dựa vào tiền của ĐCSTQ và một số lao động, vốn và sản phẩm rẻ ở Trung Quốc. Đúng như những gì Kinh Thánh chỉ ra rằng các vị vua trên thế giới đều bị rượu độc trong tay của những dâm phụ làm cho mê muội, bây giờ là như vậy. Sự phụ thuộc kinh tế của họ vào ĐCSTQ đã khiến họ không dám cứng rắn với ĐCSTQ trên chính trường quốc tế, kết quả là NATO không có lập trường rõ ràng, và nó cũng dẫn đến xung đột giữa NATO và Nga. Thực tế ĐCSTQ là chế độ cộng sản cuối cùng và đang cố gắng lôi kéo Nga để cùng chống lại NATO, chống lại phương Tây, chống lại toàn bộ xã hội tự do. Bây giờ ĐCSTQ đã bắt đầu công khai phản đối NATO mở rộng về phía đông nhưng lại không thấy NATO đưa ra được chiến lược phản công rõ ràng”.

Liên minh bán quân sự Trung – Nga nhắm vào Ukraine và Đài Loan

Tiến sĩ Tạ Điền cho biết, điểm quan trọng nhất trong 15 thỏa thuận giữa Nga và ĐCSTQ lần này là vấn đề thành lập một liên minh bán quân sự: “Hãy nhìn vào 15 hiệp định đã được ký kết: 10 hiệp định đầu tiên không đáng kể khi chỉ là về y tế, lúa mì, lúa mạch, thể thao và thương mại dịch vụ. Những hiệp định quan trọng nhất là hiệp định thứ 11, 12, 13 và 15.

Hãy bắt đầu với thỏa thuận thứ 15, đó là thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thông tin và số hóa.

Chúng ta biết rằng nước Nga rất lạc hậu về công nghệ thông tin, số hóa và vi điện tử. Còn Trung Quốc đã đánh cắp rất nhiều công nghệ như vậy trong cái gọi là hợp tác với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, giúp ĐCSTQ có hệ thống giám sát tiên tiến nhất. Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thông tin hóa và số hóa hiện nay cho phép ĐCSTQ xuất khẩu một số công nghệ giám sát tiên tiến sang Nga, vì vậy đây không phải là điều tốt cho người dân Nga.

Ngoài ra còn có các hiệp định thứ 12 và 13 là về mua bán khí đốt tự nhiên và dầu thô, còn có hiệp định bổ sung. Một trong những thỏa thuận bổ sung là việc bán khí đốt tự nhiên qua Trung Quốc bằng một đường ống dẫn khác không đi qua các nước Trung Á mà trực tiếp dẫn đến Trung Quốc. Bằng cách này, trong trường hợp có bất kỳ vấn đề nào ở Trung Á hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ thì khí đốt tự nhiên từ Nga đến Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.

Cũng còn phải kể hợp đồng mua bán dầu thô để mua thêm dầu thô, được biết toàn hợp đồng là 500 tỷ. Ai sẽ được lợi từ 500 tỷ nhân dân tệ này? Chúng ta biết rằng dầu thô và khí đốt tự nhiên mà Trung Quốc mua từ Nga cao hơn giá thị trường quốc tế, điều này là do các nhóm độc quyền của Trung Quốc tận dụng cơ hội kiếm tiền.

Được biết, hiện nay Nga có 75% quân số ở biên giới Ukraine mà nước này cần cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Một khi Thế vận hội Mùa đông kết thúc, do rất có thể mùa đông sẽ băng giá và có tuyết, một số xe tăng hạng nặng và thiết bị máy bay vận tải của Nga sẽ có thể xâm lược Ukraine trên vùng đất đóng băng. Người ta nói rằng thủ đô Kiev của Ukraine có thể bị chiếm trong vòng 48 giờ, và chế độ Ukraine sẽ bị lật đổ.

Một khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine thì chắc chắn phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và ngừng mua dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga, bao gồm cả đường Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Khi đó nguồn lực kinh tế của Nga từ đâu? Chính là từ ĐCSTQ, thông qua hợp đồng mua bán khí đốt tự nhiên và dầu thô để cho phép Nga có thể bán năng lượng. Bạn có thể thấy rằng trong vấn đề này, Trung Quốc và Nga đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính để hỗ trợ việc Nga xâm lược Ukraine”.

Thỏa thuận cung cấp cho nhau hệ thống định vị vệ tinh

Ông Tạ Điền phân tích thêm, một thỏa thuận quan trọng khác là thỏa thuận thứ 11. “Đây là thỏa thuận hợp tác giữa Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc và hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga. Tôi nghĩ người Mỹ có thể vẫn đang nghiên cứu ý nghĩa thỏa thuận này? Theo tôi thỏa thuận này thực tế là trải đường cho xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ và xâm lược Ukraine của Nga.

Chúng ta biết rằng dù là ĐCSTQ, Ukraine, Liên Xô hay Nga, một khi chiến tranh hiện đại bắt đầu, cho dù đó là máy bay, tên lửa hay thậm chí là chiến xa hay xe tăng, thì đều cần có định vị chính xác. Ví dụ, nếu Nga xâm lược Ukraine thì Mỹ sẽ tắt GPS, thậm chí phương Tây có thể phản công và chính Ukraine cũng có thể tấn công hệ thống GLONASS của Nga, nếu hệ thống GLONASS bị tấn công thì lúc này Nga sẽ có thể dùng hệ thống Beidou của ĐCSTQ. Nói cách khác, bởi vì ĐCSTQ không tham chiến nên cả Ukraine và NATO đều không thể tấn công hệ thống Beidou của ĐCSTQ. Trong trường hợp này có thể nói rằng Nga có sẵn một hệ thống dự phòng.

Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng có thể hiện nay ĐCSTQ muốn tấn công Đài Loan và cuộc tấn công này cũng cần GPS và hệ thống Beidou cho tên lửa và máy bay. Tất nhiên Mỹ có thể tắt GPS, nếu vậy ĐCSTQ sẽ dựa vào Beidou của họ. Một khi Đài Loan chống trả còn Nhật Bản và Mỹ bắt đầu tham chiến thì hệ thống Beidou của ĐCSTQ cũng sẽ bị tấn công. Lúc này, vì Nga không tham gia nên hệ thống GLONASS cũng trở thành phương án dự phòng cho ĐCSTQ.

Nói cách khác, Nga và ĐCSTQ với các hệ thống Beidou và GLONASS tương ứng có thể cung cấp một hệ thống phụ trợ và dự phòng khi bên kia phát động chiến tranh xâm lược và bị Mỹ tắt GPS. Vì vậy, nhìn từ góc độ này thì trên thực tế Trung Quốc và Nga đã thành lập một liên minh bán quân sự về vấn đề NATO mở rộng về phía đông, hoặc về vấn đề Đài Loan.

Vì vậy, tôi nghĩ Putin đi Bắc Kinh lần này tất nhiên không phải để dự Olympic, chỉ nhân tiện mang lại cho Trung Quốc một chút thể diện, tuy không cho nhiều nhưng kiếm được nhiều tiền và ký được vài hợp đồng quan trọng giúp Nga đảm bảo xuất khẩu dầu và khí đốt và cũng giúp họ thu nhận được một số công nghệ giám sát của Trung Quốc, ngoài ra cũng nhận được sự hỗ trợ của ĐCSTQ trong cuộc xâm lược Ukraine. Đây là lý do thực sự mà Putin đến Bắc Kinh”.

Các thỏa thuận đã đe dọa hòa bình thế giới

Cuối cùng, ông Tạ Điền nói rằng lập trường của ĐCSTQ đối với NATO thực sự là một thay đổi ngoại giao rất quan trọng.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các nước châu Âu và Mỹ có thể chưa phản ứng đủ với vấn đề này, chưa xem chi tiết hơn về kỹ thuật của sự hợp tác này. Nhưng thỏa thuận giữa họ là hai bên cùng có lợi, và vấn đề nghiêm trọng là gây đe dọa lớn đối với Ukraine, Đài Loan, và hòa bình thế giới.

Bước tiếp theo để Nga chiếm đóng hoàn toàn Ukraine là gì? Vẫn là chiếm khu vực Donbas ở miền đông Ukraine? Điều này chúng ta chưa biết, nhưng rõ ràng Nga đang thể hiện tư thế hung hăng đe dọa các nước Baltic, đối với Ba Lan, và thậm chí các nước Tây Âu. Còn bây giờ ĐCSTQ đang công khai chung bước với Nga. Vì vậy, tôi tin rằng các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, phải xem xét lại mối quan hệ của họ với ĐCSTQ”.

Tĩnh Nhữ, Vision Times
(Ý kiến trong bài thể hiện quan điểm của cá nhân Tiến sĩ Tạ Điền.)

Xem thêm: