Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm nay được tổ chức tại thủ đô Dakar của Senegal, một quốc gia Tây Phi. So với trước, cấp độ của diễn đàn đã giảm xuống và quy mô cũng nhỏ hơn. Nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước châu Phi đã không tham gia, thay vào là cử quan chức cấp bộ trưởng tham gia, coi đó như một cuộc họp mang tính lễ nghi ngoại giao.

shutterstock 1381307081
(Ảnh minh họa: Oleg Elkov/ Shutterstock)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có sự tham gia của hai bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, ông Tập Cận Bình tham gia qua video. Các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đưa tin về cuộc họp, nói là trao đổi kinh tế Trung Quốc – châu Phi đang “tìm kiếm thời cơ mới”. Tại sao sau nhiều thập kỷ thì các cuộc trao đổi biến mất và cần phải tìm cơ hội mới? Rõ ràng, chiến lược của ĐCSTQ ở châu Phi đã gặp phải những thách thức mới; ĐCSTQ đang gặp khó khăn quốc tế, đang đánh mất các đồng minh truyền thống; giờ đây những nỗ lực của ĐCSTQ ở châu Phi cũng có thể hoàn toàn vô nghĩa và phải đối mặt với tổn thất cả nguồn nhân lực và tài chính.

Dự án “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ đã đặt các nước Đông và Nam Á như Sri Lanka, Thái Lan và Malaysia vào tình thế khó xử vì nợ nước ngoài cao. Ngày càng nhiều nước châu Phi bắt đầu nhận ra rằng đằng sau viện trợ của ĐCSTQ là những đặc điểm của chủ nghĩa thực dân mới, cùng với tham vọng đàn áp chính trị, ăn thịt chủ quyền và lo lắng về khả năng trở thành thuộc địa từ nhu cầu nguồn tài nguyên của ĐCSTQ. Tất cả khiến các chính phủ châu Phi bắt đầu vạch ra ranh giới rõ ràng với ĐCSTQ.

Chính phủ Congo và Chính phủ Uganda bắt đầu công khai chỉ trích Trung Quốc khi chỉ ra rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở châu Phi đã đẩy đất nước họ vào cuộc khủng hoảng nợ. Cộng hòa Congo cũng sẽ lấy lại quyền phát triển khoáng sản đã cấp cho Trung Quốc để ngăn chặn tiếp tục bị lấy tài nguyên. Trung Quốc khai thác mỏ coban ở Cộng hòa Congo, trong khi nhiều hợp đồng quy mô lớn cam kết mà không thực hiện được bao gồm 31 bệnh viện và 2 trường đại học. Thứ văn hóa lạm dụng xây dựng bừa bãi và khoe khoang trong nước của ĐCSTQ đã lan sang châu Phi. Uganda không có khả năng hoàn trả khoản vay khổng lồ của Trung Quốc và ĐCSTQ không có kế hoạch đàm phán lại các điều khoản cho vay, như vậy quyền kiểm soát sân bay quốc tế duy nhất của nước này có thể sớm thuộc về Bắc Kinh.

Tất nhiên cũng có những kẻ chuẩn bị quỵt nợ khiến ĐCSTQ phải đau đầu. Các nguồn tin nói rằng Trung Quốc muốn tiếp quản cảng Mombasa của Kenya nhưng đầu năm nay Chính phủ Kenya phủ nhận việc sử dụng cảng này như vật thế chấp vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường sắt. Chính phủ Kenya cho biết ngay cả khi việc trả nợ còn thiếu thì cảng Mombasa sẽ không rơi vào tay Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có gửi đến một số chiến lang và tàu sân bay để tịch biên thu hồi không? E rằng ĐCSTQ không biết phải làm gì, cũng không dám manh động.

Tờ Le Monde của Pháp cho rằng “bữa tiệc hợp tác Trung Quốc – châu Phi đã kết thúc”, cả người Trung Quốc và châu Phi cùng cảm thấy hơi “vỡ mộng”, đều nhận ra rằng tiêu tiền không đủ để kích thích phát triển kinh tế. Trong mắt các nước châu Phi thì Trung Quốc không hề giúp đỡ họ mà biến thành bọn thực dân mới sau thời thực dân Anh và Pháp trước đây. Tệ hơn là thực dân mới phá hoại hơn thực dân cũ rất nhiều, trong khi hoàn toàn không có khái niệm pháp quyền và nhân quyền nên đã mang nhiều tệ nạn và thói hư tật xấu của phương Đông xâm nhập.

Trung Quốc vào châu Phi từ năm 2000, bắt đầu đầu tư mạnh mẽ và sử dụng sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” để gài các nước châu Phi vào bẫy nợ nhằm lấy các nguồn tài nguyên như khoáng sản, hải cảng và sân bay. Theo dữ liệu từ Trung tâm Phát triển Quốc tế, từ năm 2000 – 2011, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi chủ yếu tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, mỏ dầu và cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như khoản vay 5,5 tỷ USD của Ghana và 5,4 tỷ USD trao đổi cơ sở hạ tầng của Nigeria cho quyền khai thác dầu mỏ; 4 tỷ USD dầu mỏ, quặng sắt và xây dựng đường bộ của Mauritania; Guinea Xích đạo với khoản vay về dầu giá 2,6 tỷ USD, khoản vay dự án xây đập 2,2 tỷ của Ethiopia và kế hoạch hợp tác tài chính 2,2 tỷ của Nam Phi.

Theo dữ liệu từ Viện Brookings và Viện Doanh nghiệp Mỹ, các nước mục tiêu đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở châu Phi là Nigeria, Angola, Ethiopia, Kenya, Zambia, Nam Phi, Congo, Cameroon và Mozambique. Tổng đầu tư của Trung Quốc vào những nước này chiếm 65% đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi.

Trong 20 năm qua, thương mại xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước châu Phi đã tăng từ khoảng 20 tỷ USD năm 2002 lên hơn 200 tỷ USD năm 2014, tăng gấp 10 lần trong vòng 12 năm. Ví dụ đối với nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi trong năm 2017: nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ) lên tới 35 tỷ USD, tiếp theo là các khoáng sản và kali khác (10 tỷ), quặng đồng (4 tỷ), gỗ (22 tỷ), quặng sắt và gốm kim loại (cermets, 2 tỷ).

Đồng thời mặc dù từ năm 2002 – 2014, nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi tăng song song với xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi, nhưng kể từ sau năm 2014, xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi vẫn tăng mạnh trong khi nhập khẩu từ châu Phi giảm nhanh. Nói cách khác, về cơ bản ĐCSTQ coi các nước châu Phi là nguồn cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng, đồng thời trao đổi một lượng lớn sản phẩm công nghiệp xuất khẩu để đổi lấy nguồn năng lượng và khoáng sản này chứ không giúp các nước châu Phi phát triển hệ thống sản xuất công nghiệp và khai mở luyện kim có giá trị gia tăng cao, cơ bản gọi là muốn tiếp tục “bóc lột” những “đồng bào châu Phi” này nên chỉ cho con cá nhưng không dạy cách đánh cá.

Tuy nhiên trong 10 năm qua, đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi đã chuyển nhiều hơn sang Trung tâm dữ liệu (Data Center) và Sáng kiến ​​thành phố thông minh (Smart City Initiative). Từ Djibouti, Ethiopia và Kenya ở Đông Phi, đến Zimbabwe và Nam Phi ở Nam Phi, đến Ghana, Nigeria, Mali và Morocco ở Tây Phi, dọc theo rìa ngoài của lục địa châu Phi được phủ các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc. Thế lực của Trung Quốc gần như chiếm hầu hết các nước ở châu Phi cận Sahara (Sub-Saharan Africa). Mặc dù Trung Quốc không có công nghệ kỹ thuật số tiên tiến nhất có thể được sử dụng ở châu Âu và Mỹ, nhưng công nghệ của Trung Quốc như thiết bị của Huawei cũng đủ để chiếm thị trường châu Phi do ưu thế về giá.

Theo số liệu của Viện Brookings và Viện Doanh nghiệp Mỹ trong 14 năm từ năm 2005 – 2018 liên quan các hoạt động đầu tư của Trung Quốc: đầu tư của Trung Quốc từ 2005 – 2016 ở Nam Mỹ, Trung Đông và Bắc Phi, Nam Phi cận Sahara, châu Âu, và châu Á – Thái Bình Dương, từ hơn 20 tỷ USD vào năm 2005 tăng vọt lên gần 300 tỷ USD vào năm 2016, nhưng năm 2017 – 2018 đã giảm mạnh còn khoảng 70 tỷ USD. Rõ ràng, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Trump khi đó cùng các lệnh trừng phạt thuế quan đối với Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về thu nhập ngoại hối và khả năng đầu tư của Trung Quốc, vốn đóng một vai trò quyết định trong các chương trình trước đó của họ.

Về cơ bản, chiến lược châu Phi của Trung Quốc không chỉ gây bất mãn cho người dân châu Phi mà còn trên toàn hành tinh. Các nước châu Phi đã thức tỉnh và nhận ra chiến lược thôn tính châu Phi của ĐCSTQ, hiện nay châu Âu và Mỹ đã nhận ra và đang vẫy gọi châu Phi. Chương trình “Xây dựng lại cho thế giới tốt đẹp hơn” (Build Back Better for the World, B3W) do Tổng thống Mỹ Biden khởi xướng đã sẵn sàng vào năm tới, đầu tư vào 5-10 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên khắp thế giới để đối trọng với sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Điểm khác biệt giữa kế hoạch của Mỹ và kế hoạch của Trung Quốc là ngoài việc hỗ trợ châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng, Mỹ còn cam kết tăng cường nâng cấp công nghiệp địa phương. Điều này rất hấp dẫn đối với các chính trị gia có tầm nhìn xa ở các nước châu Phi.

Châu Âu cũng biết rõ về việc triển khai của ĐCSTQ ở châu Phi và trên khắp thế giới, cho nên cũng đang âm thầm thúc đẩy kế hoạch đối trọng. Theo đó vào đầu tháng 12, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch vào năm 2027 đầu tư 300 tỷ euro (khoảng 340 tỷ USD) trên toàn cầu cho các dự án cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và khí hậu, để “thực sự” thay thế sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Chương trình này được gọi là “Cánh cửa thế giới” (Global Gateway), bao gồm chuỗi cung ứng, số hóa, y tế, khí hậu, năng lượng và giao thông vận tải, cũng như giáo dục và nghiên cứu. “Cánh cửa thế giới” sẽ cung cấp vốn cho các nước nhận tài trợ dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, cho vay và bảo lãnh.

Nhiều chính phủ châu Phi, đặc biệt là các chính phủ độc tài và chính phủ lưu manh thân cận với ĐCSTQ đã nhận hối lộ và xây dựng quan hệ với Trung Quốc, nhưng họ cũng có thủ đoạn của chính phủ lưu manh. Họ chắc chắn biết mục đích của Trung Quốc, biết rằng Trung Quốc thiếu sự hỗ trợ quốc tế và cần các đối tác nhỏ để hỗ trợ trên các diễn đàn quốc tế. Họ cũng biết rằng ĐCSTQ đầy thủ đoạn, nhưng họ có thể tham gia đầu cơ. Hoạt động hậu trường của Diễn đàn Trung Quốc – châu Phi là những kẻ lưu manh nhỏ đòi chia phần chiến lợi phẩm từ kẻ lưu manh lớn. Nhưng ngày nay, Trung Quốc đang thiếu hụt ngoại hối nên bất lực, khi lưu manh nhỏ không được đáp ứng cũng sẽ nhanh chóng trở mặt. Tình hình chính trị ở các nước châu Phi không ổn định, ngày càng có nhiều nhân vật cấp cao phải mua chuộc và những vụ việc hối lộ mua chuộc sẽ ngày càng bị phanh phui khiến dân chúng dưới đáy xã hội sẽ tức giận và chống lại.

Người đồng sáng lập Wikipedia là Larry Sanger khi nói về lý do tại sao Wikipedia thất bại và cách ứng phó như thế nào, đã cho biết: “Bạn không thể đạt được sự đồng thuận giữa những người tư tưởng thù địch nhau”. Tuy nhiều chính phủ tại châu Phi hủ bại và độc tài, nhưng cũng không tà ác như ĐCSTQ, không có yếu tố thâm căn cố đế của chủ nghĩa cộng sản. Họ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những thực dân phương Tây trước đây, nên có một số quan niệm và thói quen dân chủ. Nhiều chính trị gia và nhân vật cao cấp ở các nước châu Phi được học hành bài bản ở châu Âu và Mỹ, người dân các nước châu Phi cơ bản cởi mở như người Mỹ và các nước châu Âu, họ không bị khép kín cao như Trung Quốc và Triều Tiên. Sự hiểu biết của người dân châu Phi đối với văn hóa khế ước, ý thức công bằng, pháp quyền và nhân quyền cao hơn nhiều so với “Tây Triều Tiên”. Bản chất cộng sản và hành vi phản nhân tính của ĐCSTQ cuối cùng sẽ bị người dân châu Phi hắt hủi, và bây giờ tất cả mới chỉ là bắt đầu.

Năm 2022 đang đến gần, người ta đồn rằng sẽ còn nhiều khốn khó hơn năm 2021 nữa, hy vọng không xảy ra như vậy. Nhưng đối với ĐCSTQ chắc chắn sẽ không còn dễ dàng khi mâu thuẫn với các nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, với Ấn Độ ở phía tây, gương cung tuốt kiếm với Mỹ, và gần đây đã bắt đầu mất châu Âu, giờ đây ngay cả châu Phi cũng không thể trụ được, các hoạt động tại châu Phi đang đứng trước thất bại toàn diện nên triển vọng với ĐCSTQ thực sự không tốt đẹp.

Tạ Điền, Epoch Times
(Bài viết của Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina – Mỹ, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: