Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài ở Ukraine.

Embed from Getty Images

AFP đăng tweet, ông Lukashenko nói với hãng tin hôm 21/7 rằng xung đột phải kết thúc để tránh “vực thẳm của chiến tranh hạt nhân”.

Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng viễn cảnh leo thang theo hướng sử dụng vũ khí phi thông thường vẫn là chủ đề thường xuyên được đưa ra trên truyền hình nhà nước Nga.

Trong tuần này, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng mối đe dọa hạt nhân để ngăn chặn một cuộc phản công của Ukraine tại các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk.

Theo Global Security Review, học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công phi hạt nhân nào trên lãnh thổ Nga. Trong khi đó, ISW cũng nhìn nhận, ông Putin cũng có thể sử dụng điều này như một lời biện minh để bảo vệ các khu vực mới được sáp nhập bằng vũ khí hạt nhân của Nga.

“Chúng ta phải ngăn chặn và đạt được một thỏa thuận, chấm dứt tình trạng lộn xộn và chiến tranh này ở Ukraine,” ông Lukashenko nhấn mạnh với AFP.

“Hãy chấm dứt và sau đó chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục,” ông nói. “Không được đi xa hơn. Xa hơn nữa là vực thẳm của chiến tranh hạt nhân. Không được chạm đến đó.”

Hãng thông tấn này còn đăng tweet, ông Lukashenko tin rằng Kyiv có thể chấm dứt cuộc chiến – bắt đầu vào ngày 24/2, bằng cách bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Moscow và chấp nhận các yêu cầu của họ. Ông cũng đổ lỗi cho phương Tây đã “thúc đẩy chiến tranh và đang tiếp tục điều đó.”

Trước đây, ông Lukashenko từng đã có một mối quan hệ không mấy tốt đẹp với sông Putin, nhưng hiện giờ ông phụ thuộc rất nhiều vào Tổng thống Nga để có thể nắm quyền.

Belarus đã tổ chức các cuộc tập trận động viên hồi đầu tháng 7, điều này khiến các quan chức Ukraine quan ngại Moscow muốn kéo Belarus vào cuộc chiến ở Ukraine để bù đắp cho số lượng quân nhân Nga đang giảm dần.

Tổng thống Lukashenko cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn, Belarus là một quốc gia độc tài nhưng không có tù nhân chính trị, điều này trái ngược với đánh giá của nhóm nhân quyền Vesna-96 về việc có khoảng 1.300 tù nhân chính trị ở nước này. Nhiều người trong số họ đã từng bị bỏ tù trong một cuộc đàn áp sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2020.

Trong tháng này, một tòa án Belarus đã kết án cô Katsiaryna Andreyeva, 28 tuổi – nhà báo của đài truyền hình Ba Lan Belsat TV, 8 năm tù vì tội phản quốc, chỉ bởi cô đã đưa tin về các cuộc biểu tình vào năm 2020.

Nhật Minh (Theo Newsweek)