Ngày 23/5, Tổng thống Joe Biden cho biết, chính quyền của ông đang “xem xét” loại bỏ một số thuế quan thương mại thời Trump hiện đang áp dụng đối với Trung Quốc, coi đây như một biện pháp nhằm giúp giảm áp lực do lạm phát kỷ lục ở Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

Trong chuyến công du đầu tiên đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông Biden đã đến Nhật Bản vào ngày 22/5 sau khi đến thăm Hàn Quốc. Mục tiêu của ông là khẳng định “vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực quan trọng”, đồng thời gửi một “thông điệp mạnh mẽ” tới Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Biden cho hay, các cuộc thảo luận về khả năng dỡ bỏ thuế quan thương mại của Trung Quốc đang diễn ra.

“Tôi đang xem xét điều đó. Chúng tôi không áp đặt thêm bất kỳ mức thuế mới nào. Chúng đã được áp đặt bởi chính quyền tiền nhiệm và và các mức thuế này đang được xem xét,” ông nói với các phóng viên.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với Trung Quốc vào năm 2018 để chống lại cái mà ông gọi là các hành vi thương mại không công bằng của chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng áp đặt thuế quan đối với Washington trong một động thái trả đũa.

Ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen lưu ý, một số thuế quan do chính quyền Trump áp đặt “không mang tính chiến lược cho lắm” để có thể giải quyết các hoạt động thương mại không công bằng, các vấn đề an ninh quốc gia và các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.

Bà Yellen cũng nhìn nhận, các mức thuế đánh vào Trung Quốc dường như đang gây hại nhiều hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ, mặc dù vẫn thừa nhận tồn tại “nhiều mối quan ngại xác đáng” về việc loại bỏ thuế quan của Trung Quốc.

Bình luận về vấn đề này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty (tiểu bang Tennessee) cho rằng, việc dỡ bỏ thuế quan thương mại với Trung Quốc sẽ lấy đi “đòn bẩy duy nhất mà chúng ta có ngay lúc này để đưa Trung Quốc tới các quan hệ thương mại bình thường hóa hơn”.

“Trung Quốc có thể kiếm tiền một cách dễ dàng nhờ điều đó [dỡ bỏ thuế quan]. Nếu quý vị nhìn vào các chính sách năng lượng của chúng ta ở Mỹ, nói một cách khái quát, đó hẳn là món hời to lớn đối với Trung Quốc,” ông nói với Fox Business.

Ngày 3/5, văn phòng đại diện thương mại của Hoa Kỳ (USTR) đã ban hành một thông báo đăng ký liên bang rằng họ đang bắt đầu một quy trình rà soát liên quan đến Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Đây là đạo luật mà Tổng thống Donald Trump khi đó đã sử dụng để áp đặt với hàng hóa Trung Quốc từ tháng 7/2018, và sẽ hết hiệu lực sau 4 năm thực thi.

Việc đánh giá lại diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày việc áp thuế hết hiệu lực.  Quá trình này sẽ bao gồm việc thu thập ý kiến ​​từ các ngành công nghiệp trong nước được hưởng lợi từ việc áp đặt thuế quan.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)