Tổng thống Joe Biden cảnh báo ông Vladimir Putin, nước Nga ‘sẽ bị xa lánh hơn bao giờ hết’ nếu Moscow quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học trong trường hợp bị dồn vào chân tường trước cuộc phản công tại Ukraine.

Embed from Getty Images

Tổng thống Biden nói với ông Scott Pelley trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS News phát sóng vào tối 17/9: “Đừng! Đừng! Đừng! Điều đó sẽ thay đổi cục diện của cuộc chiến không giống bất cứ điều gì kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.”

Tuy nhiên, ông Biden không nêu ra hậu quả và phương thức mà Mỹ sẽ phản ứng nếu Moscow quyết định dùng vũ khí hạt nhân.

“Dĩ nhiên, tôi sẽ không nói với các vị nếu tôi biết chính xác những gì sẽ diễn ra nhưng đó sẽ là một hậu quả. Họ [Nga] sẽ trở thành những người bị xa lánh trên thế giới hơn bao giờ hết. Và tùy thuộc vào mức độ những gì họ thực hiện sẽ quyết định phản ứng nào được đưa ra,” ông Biden nhấn mạnh.

Trên thực tế, CIA đã không tìm thấy bằng chứng cụ thể cho thấy Nga đang lên kế hoạch sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, Phó Giám đốc CIA David Cohen cho biết trong cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao khác tại Hội nghị thượng đỉnh về Tình báo và An ninh Quốc gia của cộng đồng tình báo diễn ra ở National Harbour, Maryland hôm 16/9, theo AP.

Tuy nhiên, ông Cohen lưu ý: “Tôi không nghĩ chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc ông Putin tuân thủ chương trình nghị sự ban đầu của ông ta, vốn là kiểm soát Ukraine. Tôi không nghĩ chúng ta có bất cứ lý do gì để tin rằng ông ấy đã làm điều đó.”

Ông Cohen còn nhận định, Mỹ cũng không nên chủ quan trước “mức độ rủi ro” của ông Putin, khi nhà lãnh đạo Nga và các quan chức của ông ta trong những ngày đầu của cuộc chiến đã nhiều lần ám chỉ đến kho vũ khí hạt nhân của Nga và cảnh báo hậu quả nếu NATO tham gia vào cuộc chiến.

Các quan chức an ninh và tình báo khác cũng nhìn nhận, Nga có nhiều khả năng sẽ trả đũa Mỹ bằng cách can thiệp vào hệ thống chính trị của nước này.

Khi được hỏi về phát biểu của Tổng thống Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin ông Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm 17/9: “Hãy đọc học thuyết [hạt nhân], mọi thứ đều được đề cập trong đó.”

Học thuyết hạt nhân của Nga nói rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân khi một hành động gây hấn “chống lại Nga hoặc đồng minh bằng việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc khi sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa”.

Trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, đã có nhiều thông điệp trái chiều của Moscow về triển vọng triển khai vũ khí hạt nhân.

Ngay sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng cảnh giác cao độ. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng trước cho hay, vũ khí hạt nhân là không cần thiết từ góc độ quân sự và “mục tiêu chính của kho vũ khí hạt nhân của Nga là ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”.

Ông Peskov, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đều khẳng định Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.

Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ.

Hiện ngày càng có nhiều suy đoán về việc ông Putin sẽ làm gì tiếp theo sau cuộc rút lui không mấy vẻ vang ở vùng Kharkiv Đông Bắc Ukraine và đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.

Ngày 16/9, ông Putin tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow có thể tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine nếu lực lượng Ukraine nhắm vào các cơ sở ở Nga.

Minh Ngọc (T/h)