Tổng thống Joe Biden đầu năm 2021 đã bước vào nhiệm sở với nghị trình chính trị đầy tham vọng. Ông đã hứa với người dân Mỹ rằng ông sẽ đoàn kết đất nước, đánh bại đại dịch COVID-19, củng cố lại tầng lớp trung lưu, và làm cho nước Mỹ trở thành thế lực vì điều tốt đẹp được toàn thế giới tôn trọng.

Embed from Getty Images

Tuy nhiên, ông Biden đã kết thúc năm 2021 với một danh sách dài những công việc chưa hoàn thành, và tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm. Theo trang Real Clear Politics, tính trung bình các cuộc khảo sát gần đây, 53% người Mỹ không tán thành hiệu suất công việc của Tổng thống Mỹ thứ 46 so với 43% tán thành.

Dưới đây là một số lời hứa lớn nhất của Tổng thống Biden và thực trạng hiện nay của chúng.

COVID-19

Vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, ông Biden đã nói trong một cuộc vận động chiến dịch tranh cử tại Cleveland, Ohio rằng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc dưới sự cầm quyền của ông. “Tôi sẽ không bao giờ giương cờ trắng đầu hàng. Chúng tôi sẽ đánh bại virus này. Chúng tôi sẽ kiểm soát được nó, tôi hứa với quý vị”, ông Biden nói.

Vào tháng Sáu, ông Biden đã tuyên bố chiến thắng COVID-19. Ông nói: “Vào ngày 4/7, khi chúng ta chúc mừng ngày độc lập của đất nước ta, thì cũng là lúc chúng ta chúc mừng được tự do khỏi virus này”.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau đó, biến chủng Delta của COVID-19 đã bùng phát khắp nước Mỹ, và các ca nhiễm mới tiếp tục chất chồng. Vào cuối mùa hè, chính quyền Biden phản ứng bằng việc loan báo các quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 đối với nhân viên và nhà thầu liên bang và nhân viên y tế, cũng như lao động tại các doanh nghiệp tư nhân lớn. Nhiều tiểu bang, doanh nghiệp đã khởi kiện các quy định này và các vụ kiện đã tới Tối cao Pháp viện chờ xét xử.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) loan báo biến chủng Omicron đã chiếm 73,2% của tổng tất cả các ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ. Trong chưa đầy một tháng, Omicron đã vượt Delta trở thành biến chủng thống trị tại Mỹ và khiến các ca nhiễm tăng cao trên toàn quốc.

Nền kinh tế

Ông Biden trong nhiều dịp, gồm cả buổi lễ nhậm chức hôm 20/1, đã hứa sẽ củng cố lại tầng lớp trung lưu và hồi sinh nền kinh tế Mỹ. Nhưng lạm phát tăng vọt, tăng mạnh nhất là giá xăng, và khủng hoảng chuỗi cung ứng đã đang ảnh hưởng tai hại đến nghị trình kinh tế của ông Biden. Đầu tháng này, Bộ Lao động Mỹ loan báo rằng giá tiêu dùng đã tăng 6,8% trong tháng Mười Một so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 6/1982.

Thăm dò dân ý gần đây cho thấy đại đa số người Mỹ không tán thành cách ông Biden xử lý lạm phát nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hầu hết cử tri cho biết họ lo lắng về nền kinh tế hiện tại và tương lai.

Kế hoạch Xây lại Tốt hơn

Nỗ lực mang dấu ấn cá nhân của ông Biden để hồi sinh nền kinh tế là Đạo luật Xây lại Tốt hơn ước tính 2 nghìn tỷ USD, hứa hẹn sẽ mở rộng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua mạng lưới an sinh xã hội và cũng là khoản đầu tư mang tính lịch sử vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đạo luật này đã được Hạ viện thông qua vài tuần trước.

Tuy nhiên, Đạo luật Xây lại Tốt hơn không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Hơn nữa, Thượng nghị sĩ Joe Manchin của Đảng Dân chủ đại diện cho tiểu bang Tây Virginia đã công khai tuyên bố không ủng hộ dự luật chi tiêu khổng lồ này, khiến cho Đảng Dân chủ tại Thượng viện không có đủ 50 phiếu ủng hộ để thông qua.

Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng

Tháng trước, dự luật cở sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD đã được lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ thông qua. Ông Biden và Đảng Dân chủ coi đây là thành tựu lớn nhất của chính quyền Biden kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, dự luật gây tranh cãi này vẫn bị nhiều chính trị gia cánh hữu chỉ trích vì chi phí chi tiêu khổng lồ, gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang.

Nhập cư

Ông Biden đã vào Nhà Trắng với lời hứa đảm bảo an ninh biên giới miền nam và giải quyết các thách thức nhập cư vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, qua 10,5 tháng của năm 2021 dưới chính quyền Biden, Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã bắt gặp hơn 1,5 triệu người di cư bất hợp pháp tại biên giới phía nam, con số này là cao gần gấp 3 lần số người di cư bất hợp pháp mà CBP bắt gặp ở biên giới giáp Mexico trong toàn bộ 12 tháng của năm 2020 dưới thời chính quyền Trump.

Đa số cử tri Mỹ không tán thành cách ông Biden xử lý vấn đề nhập cư, theo các khảo sát gần đây.

“Các cuộc chiến tranh bất tận”

Ông Biden đã hứa sẽ kết thúc “các cuộc chiến tranh bất tận” tại Trung Đông và mang lính Mỹ trở về nhà. Ông đã thành công trong việc kết thúc chiến tranh tại Afghanistan vào ngày 30/8, thời điểm những binh lính Mỹ cuối cùng rời khỏi quốc gia Nam Á này sau 20 năm.

Tuy nhiên, công cuộc rút quân không trọn vẹn khi trước đó Taliban đã kiểm soát gần như hoàn toàn Afghanistan và thủ đô Kabul. Quân Mỹ cũng bị tổn thất 13 binh lính trong một vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul vài ngày trước hạn chót rút quân. Hàng trăm công dân Mỹ và hàng nghìn người Afghanistan làm việc cho Mỹ đã bị bỏ lại Afghanistan.

Đoàn kết và hòa giải quan hệ lưỡng đảng

Ông Biden đã hứa sẽ là một lực lượng đoàn kết, đưa người dân Mỹ sít lại gần nhau. Đó là chủ đề chính trong cả hai bài phát biểu thắng cửnhậm chức của ông. Tuy nhiên, cả những người chỉ trích và ủng hộ ông Biden hiện nay đều cho rằng nước Mỹ vẫn đang rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc.

Ông Biden đã đang sử dụng lời lẽ thù địch hướng tới hàng triệu người Mỹ chưa tiêm vắc-xin COVID-19. Hồi tháng Chín, ông Biden nói: “Nhiều người trong chúng ta đã thất vọng với gần 80 triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm vắc-xin, cho dù vắc-xin này là an toàn, hiệu quả và miễn phí. Đây là đại dịch của những người chưa tiêm vắc-xin”.

Đầu tháng Mười Hai này, ông Biden đã cảnh báo: “Chúng ta đang nhìn thấy một mùa đông của bệnh trọng và tử vong đối với những người chưa tiêm vắc-xin, đối với chính bản thân họ và gia đình họ và các bệnh viện sẽ sớm quá tải”.

Chính quyền Biden cũng đã đang chuẩn bị thực hiện các cuộc điều tra nhắm vào các bậc phụ huynh phản đối quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giảng dạy thuyết chủng tộc phê phán tại các trường học mà con họ theo học. Bộ Tư pháp của chính quyền Biden đã bày tỏ quan ngại về những phụ huynh đang đe dọa giới chức trường học trong các cuộc họp ban giám hiệu nhà trường.

Hồi tháng Mười, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khi được báo giới hỏi về việc liệu Cục Điều tra Liên bang (FBI) có nên sử dụng Đạo luật Yêu nước để giám sát các bậc phụ huynh đang tức giận về chương trình học tập của con em họ tại các buổi họp ban giám hiệu nhà trường hay không, bà đã nói rằng những câu hỏi như vậy nên được chuyển trực tiếp cho Bộ Tư pháp.

Xuân Thành (Theo Just the News)

Xem thêm: