Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (26/3, giờ Mỹ) đã đưa ra đề nghị thành lập một sáng kiến chung của các quốc gia “dân chủ” nhằm đối trọng với sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường nghìn tỷ đô la của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Theo AFP, ông Biden, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tối muộn thứ Sáu (26/3, giờ Mỹ), đã dấy lên đề xuất về sáng kiến đối trọng với Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây và chế độ Bắc Kinh cộng sản đang leo thang tranh cãi về các chế tài chống lại lạm dụng nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.

Tôi đã đề nghị chúng ta về cơ bản nên có một sáng kiến tương tự của các quốc gia dân chủ, giúp các cộng đồng trên khắp thế giới thực sự cần giúp đỡ”, ông Biden nói với báo giới. Ông Biden muốn nói về sáng kiến của phương Tây nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chương trình sáng kiến Vành đai và Con đường từ năm 2013, chính thức thiết lập một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới với các kế hoạch nhiều nghìn tỷ đô la cho phát triển và đầu tư quốc tế, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ.

Chương trình này có mục đích ban đầu là nhằm gắn kết Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, nhưng cho đến nay đã được mở rộng, thiết lập các thỏa thuận và đầu tư tại 139 quốc gia, những nước này chiếm 40% GDP toàn cầu.

Theo Fox News, đa số các nước tham gia vào kế hoạch Vành đai và Con đường là những quốc gia kém phát triển, bây giờ đang phụ thuộc một phần vào Trung Quốc để phát triển mạng di động 5G, đường sắt và các nhà máy điện. Các quan chức tại Mỹ và phương Tây lo ngại thỏa thuận đa quốc gia do Trung Quốc dẫn dắt sẽ bị Bắc Kinh sử dụng để mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới.

Thực tế cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đã đang tăng lên trong một số quốc gia trong những năm gần đây thông qua các khoản cho vay nợ và các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Điều này càng làm dấy lên lo ngại của các quốc gia khu vực, cũng như các cường quốc phương Tây.

Trung Quốc đã đang giúp hàng loạt các quốc gia xây dựng hoặc phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt, đập thủy điện và bến cảng.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa hẹn sẽ “theo đuổi hợp tác mở, xanh và sạch” thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, tuy nhiên các ngân hàng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cấp tiền cho các dự án điện than khi Bắc Kinh sử dụng sáng kiến này nhằm chuyển đổi điện than ra nước ngoài.

Tử năm 2000 đến năm 2018, 23,1% của 251 tỷ đô la tiền đầu tư của hai ngân hàng chính sách lớn nhất Trung Quốc cấp cho các dự án năng lượng nước ngoài là được chi cho các dự án điện than, AFP dẫn theo dữ liệu của Đại học Boston về đầu tư năng lương toàn cầu của Trung Quốc.

Trước cuộc điện đàn với Thủ tướng Anh một ngày, ông Biden cũng đã nói về dự định sẽ giới thiệu một dự luật cơ sở hạ tầng nhiều nghìn tỷ đô la trong tuần tới. Dự luật này nhằm mục đích cải thiện đường bộ, cầu cống, đồng thời cũng giải quyết các sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sáng kiến lớn tiếp theo – tôi sẽ loan báo chi tiết về nó tại Pittsburgh vào thứ Sáu – là nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng, cả cơ sở hạ tầng vật lý và công nghệ của đất nước này để chúng ta có thể cạnh tranh và tạo ra số lượng việc làm lương cao thực sự”, ông Biden nói trong cuộc họp báo cá nhân đầu tiên của ông tại Nhà Trắng hôm 25/3.

Tuy nhiên, mặc dù chính phủ Biden tiết lộ sẽ mở rộng các sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng trong nước, nhưng hiện chưa rõ liệu Anh Quốc hoặc các quốc gia đồng minh khác của Mỹ sẽ hứng thứ về việc thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng đa quốc gia nhằm đống trọng với Trung Quốc hay không.

Chính phủ Anh, trong bản thông tin nội dung cuộc điện đàm giữa ông Johnson và ông Biden hôm 26/3, đã không đề cập đến đề xuất sáng kiến của tổng thống Mỹ về kế hoạch đối phó với Vành đai và Con đường.

Phía Anh Quốc chỉ nhấn mạnh đến việc hai nhà lãnh đạo Mỹ – Anh đã thảo luận về “hành động đang kể” để áp đặt các chế tài lên “những kẻ vi phạm nhân quyền” tại Tân Cương.

Liên minh châu Âu (EU), Anh Quốc, Canada và Mỹ trong tuần này đã phối hợp áp đặt chế tài nhiều thành viên của nhóm lãnh đạo kinh tế và chính trị tại Tân Cương. Động thái này của phương Tây đã kéo theo sự trả đũa từ Bắc Kinh. Chế độ Trung Quốc cộng sản cũng đã tuyên bố trừng phạt nhiều cá nhân tại EU và Anh Quốc.

Trung Quốc vốn luôn khẳng định tình hình ở Tân Cương là “công việc nội bộ”, hôm 26/3 đã loan báo chế tài áp lên 9 cá nhân và 4 tổ chức Anh Quốc. Bắc Kinh tuyên bố rằng những cá nhân và tổ chức bị chế tài đã “lan truyền những lời dối trá và thông tin sai lệch có hại” về việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.

Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền quốc tế, ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã đang ngược đãi dã man những người bị giam giữ, bao gồm các hành vi tra tấn, cưỡng bước lao động, tấn công tình dục nữ và triệt sản cưỡng bức v.v… Chính quyền Trump đã liệt Trung Quốc vào tội diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và chính quyền Biden kế nhiệm cũng công nhận và tiếp tục duy trì chính sách này.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm