Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (18/3) đã họp trực tuyến qua video kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc họp này diễn ra sau khi nổi lên các cáo buộc từ chính quyền Mỹ cho rằng Trung Quốc đang cân nhắc viện trợ quân sự cho Nga xâm lược Ukraine.

Embed from Getty Images

Theo bản thông cáo báo chí về cuộc họp video do Nhà Trắng công bố, Tổng thống thống Biden đã nêu chi tiết những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn và sau đó là phản ứng với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, bao gồm việc áp đặt các chế tài lên Nga.

Ông [Biden] đã mô tả những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga khi nước này thực hiện các cuộc tấn công tàn bạo vào các thành phố và thường dân Ukraine”, thông cáo báo chí của Nhà Trắng nói thêm.

Tổng thống [Biden] đã nhấn mạnh việc ông ủng hộ giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý về tầm quan trọng phải duy trì các kênh liên lạc mở để quản lý cạnh tranh giữa hai đất nước chúng ta”.

Ông Biden cũng đã bày tỏ rằng chính sách của Mỹ về Đài Loan chưa thay đổi và phản đối những thay đổi đơn phương đối với nguyên trạng mối quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan. Ông Biden và ông Tập cuối cùng đã giao nhiệm vụ cho chính phủ mỗi bên trong những ngày và tuần tới đây phải tiếp tục thực hiện những vấn đề hai vị lãnh đạo đã thống nhất trong cuộc hội nghị video này.

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, ông Tập trong suốt cuộc họp video với ông Biden đã không gọi cuộc chiến tranh tại Ukraine là “chiến tranh”, mà thay vào đó gọi đây là “cuộc khủng hoảng”.

Cũng theo Tân Hoa Xã, lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cần phải làm việc cùng nhau để “gánh vác những trách nhiệm quốc tế chung và làm việc cùng nhau vì hòa bình và sự bình yên của thế giới”, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng thế giới hiện nay không bình yên, cũng không ổn định.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập đã nói với ông Biden rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine phải kết thúc sớm nhất có thể và đã kêu gọi các quốc gia NATO hãy tổ chức đối thoại với Nga. Tuy nhiên, ông Tập đã không đổ lỗi cho Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine.

Những ưu tiên hàng đầu bây giờ là phải tiếp tục đối thoại và đàm phán, trách thương vong cho dân thường, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo, giảm chiến đấu và kết thúc cuộc chiến này sớm nhất có thể”, ông Tập nói.

Ông Tập ủng hộ cuộc đối thoại và đàm phán Nga-Ukraine và đề nghị Washington cùng NATO hãy tiến hành các cuộc đàm phàn với Nga để giải quyết “điểm then chốt” của cuộc khủng hoảng Ukraine và giải quyết các lo ngại về an ninh của cả Nga và Ukraine.

Ông Tập cũng đã cảnh báo chống lại các chế tài Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói: “Những chế tài sâu rộng và bừa bãi sẽ chỉ làm cho người dân thêm khổ đau. Nếu các chế tài tiếp tục leo thang, thì chúng có thể kích hoạt các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nền kinh tế, thương mại, tài chính, thực phẩm, các chuỗi cung cứng và công nghiệp trên toàn cầu, bóp nghẹt nền kinh tế thế giới vốn đang uể oải và gây ra những mất mát không thể vãn hồi”.

Theo The Epoch Times, trong cuộc họp báo sau cuộc họp video giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng ông Biden đã không nhận được bất kỳ đảm bảo cụ thể nào từ phía ông Tập rằng Trung Quốc sẽ hành động theo cách này hay cách khác.

Bà Psaki cũng nói rằng Mỹ và các đồng minh hiện chưa thống nhất về bất kỳ chi tiết cụ thể nào liên quan đến “những hậu quả” mà Trung Quốc sẽ gặp phải hoặc liệu sẽ có khác biệt nào về phản ứng của Mỹ và đồng minh với việc Trung Quốc hỗ trợ hoặc không hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Nga.

Chúng tôi hiện nay chưa vạch ra các chi tiết cụ thể. Chúng tôi vẫn đang thảo luận với các đồng minh G7. Chúng tôi có nhiều công cụ có thể được cân nhắc và các biện pháp chế tài chắc chắn là một trong bộ công cụ đó”, bà Psaki nói.

Khi được hỏi tại sao chính quyền Biden không công khai cho người dân Mỹ tất cả chi tiết cuộc thảo luận Biden-Tập, bà Psaki nói đó là cách “mang tính xây dựng nhất” để có một cuộc đối thoại.

Xuân Thành (T/h)