Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm (3/6, giờ Mỹ) đã ký lệnh hành pháp sửa đổi một lệnh cấm thời chính quyền Trump, trong đó cấm các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào các công ty quân sự Trung Quốc. Lệnh cấm mới của ông Biden mở rộng danh sách cấm cũ bằng việc bổ sung các công ty công nghệ quốc phòng và giám sát, nhưng lại thu hẹp phạm vi lệnh cấm thời ông Trump khi không bao gồm cấm các chi nhánh hay công ty liên kết với các công ty bị liệt vào danh sách đen.

Embed from Getty Images

Lệnh hành pháp mới của Tổng thống Biden cũng chuyển quyền lựa chọn các công ty bị nhắm mục tiêu từ Bộ Quốc phòng sang cho Bộ Tài chính.

Ông Biden mở rộng quy mô tuyên bố khẩn cấp quốc gia do Tổng thống Donald Trump ban hành năm ngoái và cấm thêm các công ty liên quan đến “phát triển và sử dụng công nghệ giám sát Trung Quốc để tạo điều kiện cho việc đàn áp hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng”, theo tài liệu đăng công khai trên trang web chính thức của Nhà Trắng.

Tài liệu của Nhà Trắng cho biết mục tiêu của lệnh hành pháp này là để “đảm bảo rằng các khoản đầu tư của Mỹ không hỗ trợ cho các công ty Trung Quốc vốn gây tổn hại cho an ninh và các giá trị của Mỹ cùng đồng minh”.

Lệnh cấm mới “cấm các cá nhân người Mỹ tham gia vào việc mua hoặc bán tất cả các [sản phẩm] an ninh đã đang được trao đổi công khai” của 59 tổ chức được liệt kê trong phụ lục của lệnh hành pháp.

Các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen lần này có cả nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei, nhà sản xuất thiết bị giám sát video Hikvision, công ty hàng không vũ trụ Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc và hai nhà điều hành viễn thông China Mobile và China Telecom.

Theo tài liệu của Nhà Trắng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục cập nhật danh sách các công ty Trung Quốc. Việc lựa chọn các đối tượng vào danh sách cấm sẽ do Bộ trưởng Tài chính quyết định cuối cùng và có tham vấn Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng nếu cần.

Lệnh cấm mới không đề cập tới các chi nhánh của các công ty bị nhắm mục tiêu vì danh sách này là “được chọn lọc và khoanh vùng phạm vi có chủ đích”.

Năm ngoái, chính quyền Trump đã nhắm mục tiêu vào 44 công ty quân sự Trung Quốc và đã có ý định bao gồm các chi nhánh mà các công ty bị nhắm mục tiêu kiểm soát từ 50% cổ phần trở lên. Tuy nhiên, lệnh cấm mới của ông Biden đã thu hẹp phạm vi của sắc lệnh trước đó khi loại bỏ các chi nhánh.

Lệnh cấm theo sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 2/8, nhưng các nhà đầu tư được phép thực hiện giao thương để chuyển đổi giao dịch cho đến ngày 3/6/2022.

Theo The Epoch Times, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (bang Florida) đã dấy lên quan ngại về việc ông Biden chuyển quyền lựa chọn các thực thể trừng phạt từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Tài chính.

Trong tuyên bố phát đi hôm 3/6, ông Rubio cho hay: “Chúng ta biết một thực tế rằng Phố Wall [thị trường chứng khoán Mỹ] đang giúp cấp tiền cho nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm suy yếu và cuối cùng thay thế sự lãnh đạo của Mỹ”.

Trong khi chính quyền [Biden] cập nhật chính sách thời Trump theo các cách thức quan trọng, thì tôi vẫn rất lo lắng rằng Bộ Tài chính của Tổng thống Biden là quá gần gũi với Phố Wall để có thể đưa ra được các hành động cần thiết nhằm ngăn chặn tiền tiết kiệm của người Mỹ bị sử dụng vào việc cấp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Rubio nói.

Trong khi đó, Hiệp hội Chứng khoán Mỹ (ASA) – tổ chức đại diện cho các công ty tài chính tại Main Street, đã phát đi tuyên bố hoan nghênh lệnh hành pháp của Tổng thống Biden.

CEO Chris Iacovella của ASA tuyên bố: “ASA mạnh mẽ ủng hộ hành động hôm nay của Chính quyền Biden về việc ưu tiên các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ thông qua tiếp tục chính sách của chính quyền trước, trong đó trấn áp sự thập nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thị trường tài chính Mỹ”.

Như Ngọc

Xem thêm: