Tổng thống Joe Biden vẫn chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí mạnh hơn, với mong muốn giữ cho giới hạn cuộc chiến không đi xa hơn nữa.

Embed from Getty Images

Tờ New York Times đưa tin hôm 17/9, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tăng cường thúc giục ông Biden sớm chuyển giao cho Kyiv các hệ thống tên lửa tầm xa uy lực hơn, có khả năng vươn tới chính nước Nga, thì ông Biden lại phản hồi rằng, ông không muốn kích động Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

“Chúng ta đang cố gắng tránh Thế chiến III,” tờ Times dẫn lời ông Biden nhắc nhở các trợ lý của mình, lặp lại tuyên bố mà ông đã từng đưa ra trước đó.

NBC cũng dẫn các nguồn thạo tin cho hay: “Chính quyền Biden đã từ chối yêu cầu của Ukraine chuyển giao tên lửa tầm xa vì lo ngại loại vũ khí này có thể gây ra phản ứng nguy hiểm từ Nga, các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc cũng phản đối ý tưởng này.”

Các quan chức Lầu Năm Góc quan ngại, phía Ukraine có thể sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS nhằm vào các mục tiêu ở Nga, điều này có thể dẫn đến leo thang.

Hiện TT Zelensky đang thúc giục Mỹ cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), có tầm bắn lên đến 190km và có thể tấn công thẳng vào Crimea hoặc thậm chí tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Ông Zelensky đang kỳ vọng có thể tiến thêm các bước tiến quân sự trên thực địa, vốn đã buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi khu vực rộng vài dặm vuông ở miền Đông đất nước. Có thể nói, những bước tiến này một phần là nhờ hàng tỷ đô la viện trợ quân sự mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine trong các hệ thống vũ khí và quân trang.

“Nếu Washington quyết định cung cấp tên lửa tầm xa hơn cho Kyiv, thì nước này sẽ vượt qua ranh giới đỏ và sẽ trở thành một bên trực tiếp gây ra xung đột,” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 15/9, cảnh báo đây là “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Putin và Nga.

Cùng ngày, Mỹ đã công bố thêm khoản viện trợ 600 triệu USD cho Ukraine. Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự Mỹ tiết lộ, gói hỗ trợ này bao gồm nhiều hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và đạn dược.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder nói với NBC hôm 16/9, các lãnh đạo cấp cao đã tiếp xúc với Ukraine để đánh giá nhu cầu của nước này. 

Ông Ryder nhấn mạnh: “Bằng chứng là qua những tiến bộ gần đây của Ukraine, họ tiếp tục vận dụng những gì Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cung cấp cho mình để tạo ra hiệu quả to lớn trên chiến trường. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ họ trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.”

Tính đến nay, Hoa Kỳ đã gửi hơn 40 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24/2.

Minh Ngọc (T/h)