Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu (9/4, giờ Mỹ) đã thành lập một ủy ban chuyên trách nghiên cứu về cải cách Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Những cái cách có thể là bổ sung và giới hạn nhiệm kỳ của các Thẩm phán Tối cao Pháp viện.

Embed from Getty Images

Theo Newsmax, trong tuyên bố phát đi hôm 9/4, Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Biden sẽ ký một lệnh hành pháp để thành lập Ủy ban Tổng thống về Tối cao Pháp viện. Ông Biden đã chỉ định một nhóm lưỡng đảng gồm các giáo sư luật, các cựu thẩm phán và những người khác có chuyên môn về hệ thống pháp lý tham gia vào ủy ban và ông yêu cầu họ sẽ phải công bố báo cáo nghiên cứu đánh giá trong vòng 180 ngày kể từ ngày họp mặt đầu tiên.

Ủy ban này sẽ giải quyết “tính giá trị và pháp lý” của các đề xuất cụ thể về cải cách tòa án tối cao. Những người ủng hộ cải cách Tối cao Pháp viện muốn bổ sung thẩm phán và quy định giới hạn nhiệm kỳ đối với các thẩm phán vốn đang phục vụ suốt đời tại Tối cao Pháp viện.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho hay: “Mục đích của Ủy ban là sẽ cung cấp một bản phân tích về các lập luận chính yếu (cả ủng hộ và phản đối cải cách Tối cao Pháp viện) đã đang được nêu ra trong các cuộc tranh luận công khai gần đây“.

Điều hành Ủy ban là ông Bob Bauer – giáo sư trường luật của Đại học New York, cựu cố vấn Nhà Trắng và bà Cristina Rodriguez – giáo sư luật Trường luật Yale, cựu phó tổng chưởng lý tại Bộ Tư pháp.

Những vấn đề mà Ủy ban sẽ xem xét gồm: vai trò của Tối cao Pháp viện trong hệ thống Hiến pháp; nhiệm kỳ và thời gian phục vụ của các thẩm phán; cũng như cách Tối cao Pháp viện lựa chọn xét sử các vụ án.

Hiến pháp Hoa Kỳ không quy định cụ thể Tối cao Pháp viện có bao nhiêu thẩm phán, nhưng Quốc hội liên bang đã đặt ra số lượng 9 Thẩm phám Tối cao Pháp viện từ năm 1869. Ý tưởng về việc bổ sung thêm thẩm phán vào Tối Cao Pháp viện đã không được thảo luận nghiêm túc kể từ sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt không thành công trong việc đề xuất với Quốc hội về kế hoạch mở rộng Tối cao Pháp viện trong năm 1937.

Đảng Dân chủ và các nhà hoạt động cánh tả cấp tiến thời gian gần đây đã đẩy mạnh thúc giục việc mở rộng Tối cao Pháp viện để phá vỡ thế đa số thẩm phán có quan điểm bảo hiến. Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ 4 năm, đã bổ nhiệm thành công 3 thẩm phán có quan điểm bảo hiến, giúp phe bảo hiến chiếm thế đa số 6-3 trong Tối cao Pháp viện.

Đáng chú ý, đầu tuần này, Thẩm phán Stephen Breyer – có quan điểm cấp tiến và do Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm – đã công khai phản đối ý tưởng mở rộng Tối cao Pháp viện. Ông Breyer – thẩm phán Tối cao Pháp viện già nhất hiện nay – cho rằng việc mở rộng số thẩm phán tại tòa án cao nhất nước Mỹ sẽ làm xói mòn niềm tin của công chúng vào ngành tư pháp.

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã chỉ trích ủy ban do ông Biden vừa thành lập là thủ đoạn trắng trợn của phe cánh tả cấp tiến nhằm bổ sung vào Tối cao Pháp viện những thẩm phán thiên tả.

Thông báo hôm nay [của Nhà Trắng] là sự tấn công trực tiếp vào tính độc lập tư pháp của đất nước chúng ta và là một dấu hiệu khác cho thấy sự ảnh hưởng của phe Cánh tả Cực đoan lên chính quyền Biden”, ông McConnell tuyên bố hôm 9/4.

Các nhà quan sát có lý trí biết rõ không có gì về cấu trúc hay hoạt động của nhánh tư pháp mà cần phải ‘nghiên cứu’. Các học giả hiến pháp và các thẩm phán Tối cao Pháp viện bản thân họ đã nhiều lần khẳng định quan điểm của cố Thẩm phám Tối cao Pháp viện Ruth Bader Ginsburg rằng: ‘9 được coi là số đẹp’. Thẩm phán Tối cao Pháp viện Breyer tuần này vừa nói rằng việc thay đổi về mặt cấu trúc như mở rộng tòa án sẽ đồng nghĩa với ‘làm mất dần’ niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp. Và đa số áp đảo người Mỹ đồng ý như vậy”, Thượng nghị sĩ McConnell khẳng định.

Tờ Daily Mail dẫn lời Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse (bang Nebraska) nói: “Ủy ban mở rộng tòa án cấp tiến này sẽ chắn chắn sẽ không đi đến đâu cả. Tổng thống Biden biết rằng ông ta thậm chí không có đủ phiếu bầu trong chính đảng của ông để mở rộng tòa án; ông ta biết rằng mở rộng tòa án đối với người dân Mỹ là chuyện viễn vông; và ông ta biết rằng báo cáo của ủy ban này sẽ chỉ là cái chặn cửa tiêu tiền của người nộp thuế“.

Dân biểu Cộng hòa Jim Jordan (bang Ohio) thẳng thắn nói: “Tại sao phải nghiên cứu thứ mà chúng ta biết rồi? Đảng Dân chủ muốn mở rộng Tối cao Pháp viện”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn (bang Tennessee) nhận định: “[Ông Joe Biden và cánh tả cực đoan sẽ phá hủy các thể chế của chúng ta để thâu tóm quyền lực. [Những việc họ làm sẽ là] xóa bỏ bầu cử đại cử tri đoàn, thủ tục fibiluster (tại Thượng viện] và mở rộng Tối cao Pháp viện”.

Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher nói: “Chúng ta không cần một ủy ban để biết rằng mở rộng tòa án là ý tưởng cực đoan và nó sẽ phá hủy niềm tin vào Tối cao Pháp viện”.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: