Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã báo hiệu rằng, Ankara có thể chấp nhận Phần Lan gia nhập NATO trước khi có bất kỳ hành động nào đối với nguyện vọng của Thụy Điển.

Embed from Getty Images

Phát biểu của ông Erdogan được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ankara dừng các cuộc đàm phán với 2 quốc gia này đề gia nhập NATO, trong bối cảnh các vụ biểu tình diễn ra ở Stockholm mà trong đó một chính trị gia cực hữu đã đốt cuốn Kinh Quran.

“Chúng tôi có thể gửi cho Phần Lan một thông điệp khác về đơn xin vào NATO của họ, và Thụy Điển có thể sẽ sốc khi thấy thông điệp của chúng tôi. Nhưng Phần Lan không nên phạm phải sai lầm như Thụy Điển đã mắc phải,” Tổng thống Erdogan phát biểu trên truyền hình hôm 29/1.

Năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, từ bỏ quan điểm không liên kết quân sự lâu đời của họ. Hai nước cần có sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên NATO mới có thể gia nhập liên minh. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Quốc hội Hungary dự kiến sẽ thông qua nguyện vọng này trong kỳ họp vào tháng 2 tới.

Vấn đề khiến ông Erdogan vẫn luôn trì hoãn chính là việc Thụy Điển từ chối dẫn độ hàng chục người mà Ankara cáo buộc liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm vũ trang bị Ankara cấm hoạt động và cáo buộc từng nổi dậy chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ năm 1984.

Ông Erdogan sắp phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng 5 năm nay, và không ít người nhìn nhận rằng ông đang sử dụng vấn đề Thụy Điển muốn vào NATO để thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri là những người bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa.

Ngày 29/1, ông Erdogan một lần nữa lặp lại yêu cầu Thụy Điển bàn giao khoảng 120 nghi phạm bị cáo buộc, yêu cầu nhà chức trách Thụy Điển phải dẫn độ những người này sang Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn được kết nạp vào NATO. “Nếu các bạn thực sự muốn gia nhập NATO, hãy giao nộp những kẻ khủng bố cho chúng tôi,” ông Erdogan nhấn mạnh.

Về phía Thụy Điển, Thủ tướng Ulf Kristersson cho hay, đất nước của ông muốn khởi động lại đối thoại về vấn đề NATO với Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 27/1 tuyên bố, việc tái khởi động các cuộc thương lượng vào lúc này là vô nghĩa. 

Cuối ngày 28/1, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ban hành cảnh báo du lịch cho các quốc gia châu Âu vì đợt biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ và tình trạng mà họ cho là tư tưởng bài Hồi giáo.

Cảnh báo nhắc đến sự gia tăng các cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ của “các nhóm có liên quan đến khủng bố”, ám chỉ đến nhóm PKK.

Các nhóm ủng hộ người Kurd vẫy cờ của PKK và các nhóm liên quan khi biểu tình ở Thụy Điển, nhằm đáp trả việc Chính phủ Thụy Điển và Phần Lan cam kết ngăn chặn các hoạt động của PKK ở nước sở tại để đổi lấy sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ cho 2 quốc gia vào NATO.

Nhật Minh (Theo Al Jazeera)