Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba (6/9) cho biết việc gán cho Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố” sẽ phản tác dụng. Ukraine và một số nhà lập pháp Mỹ trước đó đã kêu gọi ông Biden thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại Nga. 

Embed from Getty Images

Khi được một phóng viên hỏi hôm thứ Hai rằng liệu ông có đưa Nga vào danh sách đen như một quốc gia khủng bố hay không, ông Biden đã trả lời ngắn gọn “Không”. 

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ Ba cho biết việc chỉ định khủng bố “không phải là con đường hiệu quả nhất hoặc mạnh mẽ nhất để buộc Nga phải chịu trách nhiệm”.

Bà cho biết việc chỉ định này sẽ cản trở việc phân phối viện trợ đến các vùng bị chiến tranh tàn phá của Ukraine hoặc ngăn cản các nhóm viện trợ và các công ty tham gia vào một thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để vận chuyển ngũ cốc từ các cảng bị phong tỏa của Ukraine.

Nếu bị Hoa Kỳ dán nhãn “nhà nước tài trợ khủng bố”, một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng trên phạm vi rộng, với việc nhiều doanh nghiệp và ngân hàng trên khắp thế giới sẽ không muốn giao dịch với quốc gia đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi phương Tây chính thức coi Nga là quốc gia khủng bố sau một loạt vụ tấn công khiến dân thường thiệt mạng, đặc biệt là vụ tấn công vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk hồi tháng 6 khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Quốc hội Latvia vào tháng 8 đã tuyên bố Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố”, nói rằng nước này đang thực hiện “tội ác diệt chủng” đối với người Ukraine.  

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ trên khắp các đảng phái, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng đã thúc giục ông Biden gọi Nga là nhà nước tài trợ khủng bố, coi đó là một cách để tăng cường áp lực sau nhiều tháng trừng phạt kinh tế đối với cuộc xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2 của Moscow.

Hoa Kỳ hiện đang chỉ định bốn quốc gia là nhà nước bảo trợ khủng bố: Iran, Syria, Triều Tiên và Cuba.

Ngân Hà (theo AFP)