Ngày 28/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng khuyên châu Âu “ngừng ngây thơ” trong việc bảo vệ lợi ích và cần xây dựng năng lực quân sự của riêng mình, sau khi Hy Lạp ký hợp đồng mua tàu khu trục nhỏ của Pháp trị giá khoảng 3 tỷ euro (3,51 tỷ USD).

Embed from Getty Images

Đầu tháng này, Pháp đã rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có với Mỹ, Úc và Anh do thỏa thuận an ninh hạt nhân ba bên đã “đánh bay” hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD do Pháp thiết kế với Canberra.

Cụ thể, Úc đã hủy đơn đặt hàng một hạm đội tàu ngầm thông thường từ Pháp trị giá hàng chục tỷ USD. Thay vào đó, Canberra sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ và Anh theo thỏa thuận an ninh ba bên Úc – Anh – Mỹ (AUKUS).

Điều đó đã khiến Paris tìm đến các liên minh truyền thống của họ. Lần đầu tiên phát biểu về vấn đề này, Tổng thống Macron hôm 28/9 đã tận dụng cơ hội thúc giục châu Âu tự chủ hơn khi Washington ngày càng định hướng lại lợi ích của mình đối với Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Người châu Âu đừng ngây thơ nữa. Khi chúng ta chịu áp lực từ các cường quốc, vào thời điểm [lập trường] của họ trở nên cứng rắn, chúng ta cần phải phản ứng và chứng tỏ rằng chúng ta có đủ năng lực và khả năng để tự vệ. Không phải là leo thang sự việc, mà là bảo vệ chính mình,” ông Macron nhấn mạnh trong cuộc họp báo với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.

“Đây không phải là sự thay thế cho liên minh của Hoa Kỳ. Đây không phải là để thay thế, mà là chịu trách nhiệm về [vai trò] trụ cột của châu Âu trong NATO, và đưa ra kết luận rằng chúng ta cần tự bảo vệ mình.”

Theo thỏa thuận quốc phòng hôm thứ 28/9 của Pháp và Hy Lạp, Athens sẽ mua 3 tàu khu trục của Pháp, một nguồn tin chính phủ Hy Lạp nói với Reuters.

Thỏa thuận này, cũng là một phần của hiệp ước hợp tác quốc phòng và quân sự chiến lược rộng lớn hơn, được đưa ra sau khi Athens đã đặt mua 24 máy bay chiến đấu Rafale do Dassault sản xuất trong năm nay, trở thành quốc gia Liên minh châu Âu đầu tiên mua máy bay chiến đấu.

Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Mitsotakis phát biểu: “Hôm nay là một ngày lịch sử đối với Hy Lạp và Pháp. Cùng với Tổng thống Macron, chúng tôi đã quyết định nâng cấp hợp quan hệ tác quốc phòng song phương.”

Ông Mitsotakis khẳng định: “Thỏa thuận sẽ ràng buộc chúng ta trong nhiều thập kỷ. Điều này cũng mở ra cánh cửa để châu Âu tiến đến một tương lai mạnh mẽ và tự chủ, có khả năng bảo vệ lợi ích của mình.” Ông tiết lộ thêm, Hy Lạp đang cân nhắc mua thêm một tàu nữa nhằm tăng cường cho các lực lượng vũ trang và củng cố quan hệ hợp tác chiến lược với Paris.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở đông Địa Trung Hải hay không, Tổng thống Macron nhận định, thỏa thuận không nhằm mục tiêu cụ thể vào một quốc gia đặc biệt nào, mà là bởi Hy Lạp nằm tại khu vực biên giới của Liên minh châu Âu nên cần được bảo vệ.

Ông Macron nói: “Là người châu Âu, chúng tôi có nhiệm vụ thể hiện tình đoàn kết với các quốc gia thành viên. Cam kết của chúng tôi là hoàn toàn chính đáng khi giúp họ trang bị để có thể đảm bảo rằng, sự toàn vẹn lãnh thổ của họ được tôn trọng. Và chúng tôi cam kết hợp tác để bảo vệ họ trong trường hợp bị xâm phạm, tấn công hoặc xâm lược.”

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: